Tự kỷ ở trẻ em

1. Khái niệm :


Tự kỷ là một hội chứng rối loạn phát triển lan tỏa ở trẻ em, bao gồm những khiếm khuyết nặng nề về khả năng tương tác xã hội, giao tiếp và những quan tâm, hoạt động bó hẹp, định hình. Trẻ tự kỷ điển hình có thể bị rối loạn nhiều kỹ năng phát triển như: tự chăm sóc, ngôn ngữ, giao tiếp ứng xử, quan hệ xã hội, hành vi, cảm xúc, trí tuệ…

2. Các biểu hiện của tự kỷ:

Tự kỷ có biểu hiện đặc trưng sau:

2.1. Khó khăn về quan hệ xã hội :







- Trẻ không biết khởi  xướng, bắt đầu làm quen, hoặc khó tiếp nhận một người bạn mới.

- Trẻ ít quan tâm và không có nhu cầu chia xẻ hứng thú, nhu cầu và hoạt động với bạn bè và mọi người xung quanh.


  • Không thưa khi được gọi tên

  • Không nhìn mặt người đối thoại khi chơi, giao tiếp

  • Tỏ ra không nghe thấy ai lúc đó (trẻ như không ở đó)



  • Kháng lại sự vuôt ve âu yếm hoặc ôm ấp

  • Tỏ ra không biết đến tình cảm của người khác.

  • Có vẻ thích chơi một mình – co lại trong thế giới riêng của trẻ.


2.2. Khiếm khuyết về khả năng ngôn ngữ và giao tiếp:

+ Nếu chưa biết nói: trẻ có khiếm khuyết trong việc sử dụng các kỹ năng giao tiếp không lời như:

  • Không nhìn mặt người đối thoại khi giao tiếp

  • Không hiểu và không sử dụng nét mặt, cử chỉ, tư thế cơ thế để giao tiếp

  • Các âm thanh lời nói bất thường về cao độ hoặc cường độ.

  • Không biết yêu cầu, phản đối hoặc thể hiện các nhu cầu bản thân

  • Không hoặc khó học các luật lệ về giao tiếp như: chào hỏi, xin đồ vật hoặc “ạ”, “bai, bai”…


+ Nếu trẻ đã nói được

  • Trẻ học nói muộn hơn trẻ bình thường

  • Mất khả năng nói được từ đơn hoặc cả câu sau khi đã biết nói.

  • Trẻ dùng phát ngôn không phù hợp với mục đích: đáng lẽ trả lời thì trẻ lại nhắc lại câu được hỏi, nói nhại, nói vọng..Phát ngôn hoặc câu của trẻ có ngữ điệu đơn điệu, nghe véo von, thường có âm sắc cao hơn bình thường.

  • Nếu trẻ có ngôn ngữ khá hơn, có thể thấy chậm phát triển ngôn ngữ so với trẻ cùng độ tuổi. Trẻ thường không hiểu câu hỏi, ngôn ngữ của trẻ đơn giản, hiếm dùng những khái niệm so sánh, tưởng tượng .


2.3. Các hành vi dập khuôn định hình và các mối quan tâm bất thường.

- Các hành vi hoặc cử động định hình, lặp đi lặp lại: trẻ như bị cuốn hút vào một cử chỉ, một hoạt động hoặc trò chơi nào đó hàng giờ hoặc cả buổi. Ví dụ: xoắn bàn tay, vê vê ngón tay, vò giấy, quay bánh xe ô tô (đồ chơi)…







- Trẻ có thể thích duy nhất một đồ vật, hoặc chỉ chơi với một người nào đó trong gia đình…

- Trẻ có thể chỉ quan tâm và vê, xoay một chi tiết của vật: bánh xe, ống khói..

- Trẻ có thể có những phát ngôn hoặc phát ra âm thanh

nào đó một cách định hình: tự phát, không có chủ ý và trong mọi tình huống…

- Trẻ có thể nhạy cảm với một số loại kích thích ( khi bị vuốt ve, sờ chạm hoặc có ánh sáng, tiếng động…)

3. Những rối loạn khác đi kèm với tự kỷ:

3.1. Rối loạn giác quan:

Nhiều trẻ tự kỷ có thể nhạy cảm đau đối với một số âm thanh, loại vải, mùi vị. một số trẻ không chịu đựng nổi khi quân áo chạm vào da. Một số âm thanh; ví dụ máy hút bụi, chuông điện thoại, sấm chớp, ngay cả tiếng sóng vỗ vào bờ có thể khiến trẻ bịt tai và khóc thét lên. ở trẻ tự kỷ, não thường tỏ ra khó cân bằng các cảm giác cho tương xứng. Một số trẻ tự kỷ không chú ý tới quá lạnh hoặc quá đau, chẳng hạn có trẻ tự đập đầu vào cạnh bàn làm lõm bên đầu nhưng không có cảm giác đau.

3.2. Chậm phát triển trí tuệ:

Nhiều trẻ tự kỷ bị chậm phát triển trí tuệ ở mức độ khác nhau. Ngay trong trắc nghiệm có nhiều lĩnh vực trẻ phát triển bình thường( ví dụ chép hình vẽ), nhưng nhiều lĩnh vực khác lại bị chậm (chẳng hạn ngôn ngữ).

3.3. Khó thích ứng với sự thay đổi hoàn cảnh, sự việc thường diễn ra hằng ngày.

3.4. Co giật:

Có khoảng 1/ 4 trẻ tự kỷ bị động kinh. Để chẩn đoán thể động kinh cần cho trẻ đi khám chuyên khoa thần kinh và làm điện não đồ. Nhờ đó mà thầy thuốc có thể sử dụng các thuốc chống động kinh cho phù hợp.

Các dấu hiệu của chứng tự kỉ thường xuất hiện sớm từ những năm đầu đời, nhưng đôi khi chúng cũng xuất hiện sau một số tháng phát triển bình thường. Trong hầu hết các trường hợp, không thể xác định được sự kiện nào là sự kiện khiến trẻ đang phát triển bình thường lại dần thoái triển, rơi vào chứng tự kỉ.

Cha mẹ nên đưa trẻ đến các nhà chuyên môn (bác sĩ nhi, nhà tâm lý học, bác sĩ phục hồi chức năng ,bác sĩ tâm thần,…) nếu thấy một trong các dấu hiệu sau:

5 dấu hiệu báo động tự kỷ (Viện Hàn lâm Thần kinh học của Mỹ)

1)Không bi bô, không biết dùng cử chỉ, dấu lúc vào khoảng 12 tháng

2) Không biết nói từ đơn lúc 16 tháng

3) Không biết đáp lại khi được gọi tên

4) Không tự nói được câu có hai từ lúc 24 tháng

5) Mất kỹ năng ngôn ngữ hoặc xã hội vào bất kỳ độ tuổi nào.

 

Post a Comment

0 Comments