Bài 3: Những phát minh dành cho người khuyết tật

Các nhà khoa học trên thế giới đã có nhiều ý tưởng và phát minh mới nhằm tạo điều kiện cho 10% dân số thế giới không may mắn có được một cuộc sống tốt đẹp hơn và dễ dàng hòa nhập vào đời sống xã hội. Dưới đây là một số ví dụ.





  • Di chuyển tốt hơn


“ReWalk” là tên của đôi chân robot hỗ trợ di chuyển do kỹ sư Amit Goffer thuộc Công ty Công nghệ cao Argo Medical Technologies của Israel sáng chế. Nhờ sản phẩm “Lại có thể đi” này, người khuyết tật hoặc người bị liệt chân có thể đứng, đi bộ và leo cầu thang. ReWalk bao gồm một bộ khung vững chắc được điều khiển bằng các thiết bị điện tử. Thiết bị hoạt động nhờ các hệ thống truyền động với động cơ, các cảm biến gắn trên cơ thể, bộ điều khiển máy tính và pin có thể sạc được gắn sau lưng. Hiện ReWalk đang được thử nghiệm ở Trung tâm Y tế Sheba Tel 


Aviv  và dự kiến sẽ được đưa ra thị trường vào năm 2010. Đối với những người khuyết tật từ eo trở xuống, một lựa chọn có thể tính tới là chiếc ô tô Martin Conquest 1200 do anh Peter van Nooy - người Hà Lan, từng bị tai nạn ô tô 18 năm trước - thiết kế với sự trợ giúp của Hiệp hội xe dành cho người tàn tật ở Anh và Trường Thương mại Manchester.


Chiếc xe đặc biệt ở chỗ mọi nút điều khiển của xe đều bằng tay. Hơn nữa, người lái xe có thể đưa cả chiếc xe lăn của mình lên chiếc ô tô này qua một chiếc cửa tự động.

Còn đối với những người mắc một số bệnh ảnh hưởng đến hoạt động của chi (như chấn thương dây thần kinh cột sống), có thể thiết bị điều khiển sử dụng nam châm do Viện Công nghệ Georgia (Mỹ) giới thiệu sẽ phù hợp hơn. Các nhà khoa học cho biết phần nam châm của thiết bị có kích thước chỉ bằng hạt gạo, được cấy vào đầu lưỡi, cho phép người điều khiển trực tiếp di chuyển con trỏ trên màn hình máy tính hoặc điều khiển xe lăn điện chạy quanh phòng. Trên thiết bị còn có một bộ đeo gắn cảm biến từ để phát hiện hướng của từ trường nam châm và chuyển tín hiệu này tới máy tính nhỏ gắn trên quần áo người dùng hoặc trên xe lăn. Các nhà khoa học cho rằng công nghệ này có thể tạo một cuộc cách mạng trong việc chế tạo thiết bị hỗ trợ người khuyết tật.





  • “Cửa sổ” mới cho người khiếm thị


Từ lâu, chiếc điện thoại đã là vật bất ly thân của nhiều người bình thường trên thế giới nhưng nó vẫn xa vời đối với người khiếm thị. Tuy nhiên, với phát minh mới của kỹ sư người Mỹ, Ray Kurzweil, giờ đây những người khiếm thị có thể sử dụng điện thoại như bao người khác. Sở dĩ như vậy là vì chiếc điện thoại do Kurzweil chế tạo có thể tải phần mềm có chức năng chuyển đổi những dòng chữ trên tài liệu thành lời nói và cho phép người sử dụng đọc được các tài liệu đã được ảnh hóa như thực đơn, sổ điện thoại hay bản fax. Các phiên bản của chiếc điện thoại này trong tương lai sẽ nhận dạng được khuôn mặt, căn phòng và chuyển các ngôn ngữ nước ngoài thành tiếng mẹ đẻ.


Cũng như điện thoại, Internet cũng đã trở thành một phần cuộc sống của những người bình thường nhưng đối với những người khiếm thị, việc lướt web khó khăn hơn, một phần do các phần mềm hỗ trợ người khiếm thị dùng máy tính thường đắt đỏ (giá hơn 1.000 USD). Để tạo điều kiện cho những người khiếm thị vốn thường là những người ít tiền, sinh viên Jeffrey Bigham tốt nghiệp ngành khoa học máy tính của Trường Đại học Washington đã phát triển một chương trình mới miễn phí và chuyên dụng cho những người khiếm thị có tên là WebAnywhere. Chương trình WebAnywhere là một ứng dụng Internet giúp người khiếm thị có thể lướt web ở bất kỳ máy tính nào và hỗ trợ người dùng đọc thông tin trên trang web từ trên xuống dưới.





  • Khiếm thính nhưng không buồn


Một trong những lý do khiến người khiếm thính không phải buồn là vì họ cũng được tiếp cận thông tin như những người bình thường, nhờ những thiết bị đặc biệt, chẳng hạn như chiếc radio dành cho người khiếm thính. Sản phẩm của sự hợp tác giữa Đài Phát thanh quốc gia Mỹ, tập đoàn cung cấp các thiết bị truyền thanh Harris và Đại học Towson (Baltimore) có một hệ thống màn hình cho phép hiển thị bằng chữ toàn bộ nội dung mà người sử dụng đang nghe. Phần văn bản đó hiển thị và chạy theo thời gian thực cùng với nội dung đang phát trên sóng radio.


Người khiếm thính cũng không buồn vì họ có thể trao đổi qua điện thoại cũng như tham gia các buổi họp nhờ các thiết bị và dịch vụ mới. Tại Anh, Viện Quốc gia vì người khiếm thính (RNID) giới thiệu một thiết bị mới có tên là ScreenPhone. Thiết bị này có khả năng chuyển đổi cuộc gọi tiếng hoặc buổi trò chuyện thành văn bản - quá trình chuyển đổi này sẽ mất khoảng từ 30 - 40 giây. Người khiếm thính thực hiện cuộc gọi vẫn có thể sử dụng giọng nói của họ nhưng ngược lại, phản hồi của người khác lại được ghi lại và xuất hiện dưới dạng chữ trên màn hình ScreenPhone.


Đối với những người khiếm thính, việc di chuyển trên đường đôi khi gặp khó khăn và nguy hiểm vì họ không thể quan sát hết những gì xảy ra xung quanh. Để giúp những người khiếm thính có thể nhận ra những chiếc xe ô tô đang đi tới mà không cần quan sát, một nhóm thiết kế gồm 3 người Hàn Quốc Kwang-Seok Jeong, Min-hee Kim và Hyun-joong Kim đã chế tạo ra một bộ thiết bị gồm một chiếc đồng hồ và hai chiếc nhẫn. Hai chiếc nhẫn được đeo ở hai bên tay, trên đó có gắn các cảm biến với độ nhạy cao để phát hiện ra âm thanh dù có cường độ nhỏ. Sau đó các tín hiệu âm thanh này sẽ gây ra rung động nhỏ cho chiếc chiếc nhẫn, đồng thời những tín hiệu này cũng sẽ được chuyển thành hình ảnh hiển thị trên đồng hồ có thể quan sát được.


Nhóm nghiên cứu khẳng định thiết bị này không những chỉ nhận ra âm thanh từ những chiếc xe ô tô mà nó còn có thể phát hiện và phân tích nhiều nguồn âm thanh khác nữa. Phát minh mới này được cho là rất có ích đối với người khiếm thính.


Hà Vy-SGGP (tổng hợp)

Post a Comment

0 Comments