Bài 2: Thế giới với người khuyết tật

Không kể giàu nghèo, bằng những cách khác nhau, nhiều quốc gia trên thế giới đã quan tâm đến người khuyết tật, tạo những điều kiện thuận lợi nhất để họ hòa nhập vào xã hội. Dưới đây là một số ví dụ.


Trung Quốc: Chăm lo sức khỏe và giáo dục


Ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc hiện có khoảng 1.400 trung tâm dành cho người khuyết tật được đặt tên “Sweet Home”. Những “Ngôi nhà hạnh phúc” này cung cấp nhiều loại hình dịch vụ, tổ chức các khóa đào tạo về văn hóa và thể lực, tạo không khí vui vẻ và tương trợ cho người khuyết tật.


Bên cạnh việc tổ chức các hoạt động xã hội thường kỳ như các chuyến dã ngoại trong ngày, các Sweet Home còn cung cấp các chương trình phục hồi chức năng đặc thù, phù hợp với yêu cầu của từng người khuyết tật. Tổng cộng có khoảng 45.000 người khuyết tật từ 18 quận, huyện ở Bắc Kinh được hưởng lợi từ chương trình hoàn toàn do Chính phủ Trung Quốc tài trợ này.


Liên đoàn Người khuyết tật Bắc Kinh cho biết đến năm 2010, mỗi phường, xã ở Bắc Kinh sẽ có một Sweet Home để người khuyết tật có thể tiếp cận dễ dàng hơn.


Học hành là một trong những cách tốt nhất để người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng xã hội. Nhận thức được điều đó, ngay từ khi bắt đầu cải cách và thực hiện chính sách mở cửa cách đây 30 năm, Trung Quốc đã chú ý thiết lập một hệ thống giáo dục đặc biệt cho người khuyết tật, bao gồm giáo dục cơ sở, giáo dục hướng nghiệp, giáo dục đại học và giáo dục cho người lớn tuổi.


Theo các con số thống kê chính thức, tính tới năm 2007, Trung Quốc có 1.667 cơ sở giáo dục đặc biệt, tăng gần gấp 4 lần so với năm 1986 và 2.803 khóa học đặc biệt dành cho trẻ khiếm thị và khiếm thính, cũng như trẻ bị thiểu năng trí tuệ - với tổng số học sinh tuyển năm 2007 là 580.000 (so với 47.200 năm 1986).


Trong thời gian tới, Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục đầu tư để người khuyết tật có thêm nhiều cơ hội học tập, đặc biệt là ở các cấp học cao đẳng và đại học. Hiện chỉ có khoảng 20.000 sinh viên khuyết tật đang học tập ở các trường cao đẳng, đại học - chiếm dưới 1% tổng số người tàn tật của Trung Quốc (82,9 triệu người).


Bangladesh: Xây dựng cơ sở dữ liệu


Trong tương lai, người khuyết tật ở Bangladesh sẽ không bị “bỏ sót” nhờ một hệ thống cơ sở dữ liệu trên máy tính. Chính phủ Bangladesh đã cho phép thực hiện một dự án thí điểm xây dựng cơ sở dữ liệu trực tuyến nhằm tập hợp thông tin về nhân khẩu học và tình trạng của người khuyết tật trên cả nước, từ đó tạo điều kiện cho chính quyền và các tổ chức nhân đạo chăm lo cho người khuyết tật.


Hiện tại, dự án được thực hiện thí điểm tại 6/64 quận, huyện ở Bangladesh. Diễn đàn quốc gia các tổ chức vì người khuyết tật (NFOWD) - một trong những tổ chức phụ trách dự án - cho rằng cơ sở dữ liệu này sẽ giúp làm tốt công tác phân bổ nguồn lực cho người khuyết tật, đồng thời đảm bảo sự minh bạch và trách nhiệm của những bên liên quan. Một hệ thống nhận biết bằng vân tay kỹ thuật số sẽ được sử dụng nhằm tránh những hiện tượng gian lận hoặc thay đổi thông tin.


Khác với các hồ sơ bằng giấy thông thường hoặc các hệ thống dữ liệu lưu trên máy tính cục bộ, ngân hàng dữ liệu mới này sẽ được cập nhật trên mạng Internet và sẽ được đảm bảo không bị mất thông tin bởi cơ sở dữ liệu được lưu giữ thường xuyên trên các máy chủ khác nhau. Điều này tưởng như bình thường nhưng lại rất quan trọng đối với một quốc gia thường xuyên phải hứng chịu thiên tai, lũ lụt như Bangladesh.


Pháp: Ưu tiên của tổng thống


Từ 2005-2007, Chính phủ Pháp đã bỏ ra 1,5 tỷ euro và tuyển thêm hơn 21.000 nhân công mới trong các cơ sở chăm sóc người khuyết tật hoặc làm các dịch vụ chăm sóc người khuyết tật nặng tại nhà. Số trẻ khuyết tật được đến trường tiểu học đã tăng 20%.


Tuy nhiên, tân Tổng thống Pháp Sarkozy chưa hài lòng với kết quả đạt được. “Đối với tôi, người khuyết tật là một ưu tiên” - đó là câu nói mở đầu hội nghị quốc gia đầu tiên ở Pháp về người khuyết tật do ông Sarkozy tổ chức ngày 10-6-2008. Chính phủ Pháp dự định sẽ huy động gần 3 tỷ euro cho việc cải thiện khả năng hòa nhập xã hội của người khuyết tật. Hàng loạt các biện pháp được đưa ra trong các lĩnh vực việc làm, nhà ở, đi lại và y tế dành cho người khuyết tật.


Cụ thể, để cải thiện cuộc sống cho người khuyết tật, Tổng thống Pháp Sarkozy tuyên bố sẽ tăng 25% trợ cấp cho người lớn tuổi khuyết tật (AAH) trong 5 năm tới. Chính phủ sẽ triển khai những chính sách nhằm tạo điều kiện cho người khuyết tật có khả năng lao động tìm được việc làm.


Chính phủ cũng sẽ bỏ ra 6 triệu euro cho các dự án giúp người khuyết tật có thể dễ dàng đi lại ở những nơi công cộng hoặc các công trình của tư nhân, các phương tiện giao thông, cũng như được tiếp cận với tri thức. Mục tiêu đặt ra là các công trình công cộng sẽ phải đạt chuẩn tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật từ nay đến năm 2010.


Kể từ năm 2009, các vấn đề liên quan đến khả năng tiếp cận của người khuyết tật sẽ được đưa vào chương trình đào tạo các nhà quy hoạch đô thị và thiết kế xây dựng. Để người khuyết tật có thể tiếp cận với các công nghệ mới, chính phủ sẽ gia tăng sử dụng phụ đề trên các kênh truyền hình, phát triển các hệ thống mô tả bằng âm thanh cho người khiếm thị và kể từ đầu quý I-2009, sẽ cho ra đời một trung tâm hỗ trợ đầu tiên cho người khiếm thính.


Về nhà ở, hiện 15.000 trẻ em và 12.000 người lớn đang nằm trong danh sách chờ được đón tiếp tại các cơ sở chăm sóc hoặc được cung cấp các dịch vụ đặc biệt. Về giáo dục, Chính phủ Pháp thông báo sẽ cho xây dựng thêm các cơ sở giáo dục đặc biệt nhằm hỗ trợ trẻ học tập tại các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông. Mục tiêu của Chính phủ Pháp là nâng số cơ sở giáo dục này từ 1.239 hiện nay lên 2.000 vào năm 2010; và các cơ sở giáo dục cho trẻ khuyết tật sẽ được bao phủ trên toàn lãnh thổ Pháp.


Hà Vy, SGGP (tổng hợp)

Post a Comment

0 Comments