2008 - Năm bản lề đối với người khuyết tật

Không ít người khuyết tật trên thế giới đã vượt qua số phận để trở thành những người có ích. Tuy nhiên, cũng không ít người bị “gạt” ra ngoài lề xã hội, không được quan tâm và đối xử công bằng. Công ước về quyền của người khuyết tật chính thức có hiệu lực năm 2008 là hy vọng mới đối với đông đảo người khuyết tật trên thế giới.


10% dân số thế giới


Hiện có khoảng 650 triệu người - tương đương 10% dân số thế giới - bị khuyết tật ở dạng này hoặc dạng khác với các mức độ khác nhau. Người khuyết tật vẫn tiếp tục gặp phải những rào cản khiến họ không thể hòa nhập hoàn toàn vào xã hội mà họ đang sống. Người khuyết tật thường xuyên bị chối bỏ những quyền cơ bản như được công nhận bình đẳng trước pháp luật, có quyền tự do ngôn luận và tự do nêu ý kiến, quyền được tham gia vào đời sống chính trị (như bỏ phiếu)…


Nhiều người tàn tật bị buộc phải sống trong các trung tâm đặc biệt - điều này vô hình trung tạo thành một rào cản khiến họ không còn quyền tự do đi lại và sống hòa nhập với cộng đồng.

Đáng chú ý, có đến 80% người khuyết tật - tương đương hơn 400 triệu người - đang sống ở các quốc gia nghèo. Sự khuyết tật luôn gắn liền và tỷ lệ thuận với sự nghèo đói. Những số liệu thống kê về tỷ lệ lao động của những người khuyết tật có thể khiến nhiều người sửng sốt: Tại các quốc gia đang phát triển, từ 80% - 90% người khuyết tật ở độ tuổi lao động không có việc làm, còn ở các quốc gia công nghiệp phát triển, tỷ lệ này có thấp hơn nhưng cũng ở mức từ 50% - 70%.


Tổ chức Văn hóa khoa học giáo dục LHQ (UNESCO) cũng khẳng định quyền được tiếp cận giáo dục và chăm sóc sức khỏe của người khuyết tật thường xuyên bị chối bỏ. 90% trẻ em khuyết tật ở các nước đang phát triển không được đến trường. Khoảng 20 triệu phụ nữ lành lặn trở thành người khuyết tật do những biến chứng xảy ra trong quá trình mang thai hoặc sinh nở.


Những cam kết của thế giới


Trong những năm qua, nhiều quốc gia trên thế giới đã tham gia tích cực vào công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền của người khuyết tật bằng việc thông qua các văn bản quốc tế như: Chương trình hành động thế giới về người khuyết tật (1981), Các nguyên tắc bảo vệ người bệnh tâm thần và chăm sóc y tế cải thiện tâm thần (1991) và Tuyên bố về quyền của người khuyết tật (1995). Các văn bản trên không có giá trị bắt buộc nhưng các quốc gia đã dựa vào đó để ban hành các đạo luật và xây dựng các chính sách có liên quan tới người khuyết tật.


Nhiều quốc gia trên thế giới được ca ngợi vì sự quan tâm dành cho người khuyết tật. Chẳng hạn, trong lĩnh vực giao thông, nhiều khách du lịch đến Thụy Điển rất ấn tượng với sự quan tâm của nhà nước và cộng đồng xã hội đối với người khuyết tật. Hầu hết các cơ sở hạ tầng từ thành thị đến nông thôn đều có những lối lên xuống, lối đi dành riêng cho những người khuyết tật.


Tại Hà Lan, hệ thống xe điện ở thành phố Amsterdam cũng được cho là tạo thuận lợi cho người khuyết tật. Tại Pháp, theo thống kê của Công ty Đường sắt quốc gia Pháp (SNCF), mỗi năm có khoảng 400.000 người khuyết tật đi lại bằng tàu hỏa. SNCF đã đầu tư nhiều về cơ sở vật chất cũng như về con người để giúp người khuyết tật. SNCF dự kiến đến năm 2015, toàn bộ các nhà ga mới được trang bị cầu thang máy cho người khuyết tật ở từng bến đỗ, có thông báo âm thanh phù hợp với người khiếm thị… Mặc dù vậy, người khuyết tật ở nhiều nơi ở trên thế giới vẫn chưa được sự quan tâm thích đáng và đối xử công bằng.


Hy vọng mới đối với người khuyết tật


Năm 2008 là năm có ý nghĩa quan trọng đối với người khuyết tật bởi Công ước về quyền của người khuyết tật chính thức có hiệu lực. Cũng trong năm 2008, thế giới kỷ niệm 60 năm ra đời Tuyên ngôn toàn cầu về nhân quyền (UDHR).


Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật là bản công ước về nhân quyền đầu tiên của thế kỷ 21 và là công cụ luật pháp đầu tiên bảo vệ toàn diện quyền của người khuyết tật. Dựa vào công ước này, các chính phủ tham gia Công ước sẽ có những điều chỉnh về luật pháp nhằm cải thiện và nâng cao điều kiện sống của người khuyết tật, cho họ được quyền tiếp cận thông tin và y tế mà không gặp trở ngại về xã hội, bảo vệ và bảo đảm quyền bình đẳng của người tàn tật trong việc hưởng thụ đầy đủ các phúc lợi xã hội và tham gia đời sống công cộng.


Các điều luật, các tập quán cũng như tập tục được coi là phân biệt đối xử đối với những người tàn tật sẽ bị hủy bỏ. Có thể nói, Công ước đã tiến xa hơn các công ước trước đây khi thiết lập các bước đi mà các quốc gia phải thực hiện nhằm loại bỏ sự phân biệt đối xử và tạo sự bình đẳng cho tất cả mọi người.










Công ước về quyền của người tàn tật đã được thông qua ngày 13-12-2006 trong phiên họp lần thứ 11 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại Nghị quyết số 61/106. Ngày 30-3-2007, tại New York, tất cả các quốc gia và tổ chức thành viên của LHQ đã ký Công ước. Công ước chính thức có hiệu lực từ ngày 3-5-2008, 30 ngày sau khi quốc gia thứ 20, Ecuador, chính thức phê duyệt văn bản này.


Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật là một hiệp ước quốc tế xác định các quyền của người khuyết tật và nghĩa vụ của các quốc gia tham gia. Theo Điều 33 của Công ước, các quốc gia phải thiết lập các cơ quan đầu mối cấp quốc gia trực thuộc chính phủ để giám sát việc thực hiện Công ước. Các quốc gia cũng phải thiết lập một cơ chế giám sát độc lập. Sự tham gia đầy đủ của các tổ chức xã hội dân sự, đặc biệt là của người khuyết tật và các tổ chức đại diện của họ, là đặc biệt cần thiết trong quá trình thực hiện và giám sát cấp quốc gia. Sự giám sát quốc tế được thực hiện thông qua 2 cơ chế mới được thành lập là “Ủy ban về quyền của người khuyết tật” và “Hội nghị các quốc gia tham gia”.



Hà Vy (tổng hợp)


Theo SGGP

Post a Comment

0 Comments