Những quan điểm của đồng chí Lê Duẩn về đội ngũ trí thức Việt Nam

Tôi chỉ biết tới Lê Duẩn-người chiến sĩ cộng sản kiên cường, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, của dân tộc, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh- thông qua những tài liệu, những bài viết của nhiều nhà nghiên cứu, của nhiều vị lãnh đạo của Đảng Nhà nước, cũng như những bài viết của người. Nhưng với tôi, có lẽ như thế cũng đủ để tôi từng bước hình dung được về người với nhiệm vụ cao cả của một vị lãnh tụ, về những công lao đóng góp cho việc xây dựng và phát triển đất nước trong những thời gian cam go, những thời điểm quan trọng của đất nước.
Nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người, tôi rất vui được tham dự và viết bài tham dự Hội thảo do Trường Đội Lê Duẩn tổ chức, và đặc biệt hơn, tôi lại có điều kiện để được viết về những quan điểm của người về thanh niên, về đội ngũ trí thức Việt Nam để qua đó cũng là cách để cho tôi tự nhắc nhở, nhìn nhận bản thân, vai trò của mình cũng như vị trí vai trò của đội ngũ trí thức trẻ hiện nay trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước với ý nghĩa chung. Trong bài viết này, tôi không có nhiều tham vọng để đề cập được mọi vấn đề từ tiêu đề bài viết, mà chỉ muốn đặt một số vấn đề, cũng như xem xét một số khía cạnh từ góc nhìn của mình.
Quan điểm của Lê Duẩn về xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam
- Quan niệm về xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa: Trong sự nghiệp lãnh đạo của mình Lê Duẩn cùng các nhà lãnh đạo khác của nước nhà dành sự quan tâm đặc biệt đối với thế hệ trẻ nói chung, lực lượng trí thức trẻ nói riêng. Thông qua nhiều bài viết, bài nói chuyện có liên quan đến thế hệ trẻ, tuổi trẻ, đội ngũ trí thức trẻ, những quan điểm đó còn mang nhiều ý nghĩa khoa học, thực tiễn đối với thế hệ trẻ hiện nay. Một số quan điểm của vị lãnh tụ Lê Duẩn về vai trò của thế hệ trẻ có thể được nhìn nhận thông qua các tác phẩm sau: Hãy xứng đáng là thanh niên anh hùng của dân, quân đội anh hùng; Thanh niên với chủ nghĩa anh hùng cách mạng; Học tập và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác Lênin; Con đường tu dưỡng rèn luyện đạo đức của thanh niên; Tạo một sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác tư tưởng; Thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ qốc xã hội chủ nghĩa; Thanh niên với cách mạng xã hội chủ nghĩa…
Lê Duẩn cho rằng việc xây dựng xã hội chủ nghĩa không phải chỉ xây dựng một nền kinh tế mới, một xã hội mới mà còn hướng đến xây dựng những con người mới xã hội chủ nghĩa, đem lại giá trị chân chính cho con người, tạo điều kiện cho con người phát triển toàn diện, trở thành chủ thể có ý thức trong sự nghiệp sáng tạo lịch sử. Đây là quan điểm hết sức biện chứng và phù hợp với các nguyên lý chung về phát triển, chỉ có thông qua thực tiễn, hoạt động thực tiễn, việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa mới được hình thành và đáp ứng yêu cầu chung của xã hội. Để thực hiện nhiệm vụ cao cả đó, mọi bộ phận khác nhau của xã hội phải cùng nhau tham gia, vận hành và hoạt động, trong đó chú trọng đến vai trò tiên phong, đầu tàu và định hướng của đội ngũ cán bộ trí thức.
- Hướng đến xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam theo hướng trở thành con người mới xã hội chủ nghĩa: Trong Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, Lê Duẩn có xác định trong chiến lược kế hoạch phát triển xã hội 5 nǎm lần thứ nhất (1960-1965) và chuẩn bị cho kế hoạch sau này, đó là tổ chức Đảng, chính quyền cần phải ra sức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công nhân lành nghề theo quy mô lớn và đẩy mạnh công tác khoa học, kỹ thuật. Đó là những vấn đề mấu chốt để bảo đảm đẩy mạnh phát triển kinh tế, cũng là những vấn đề cơ bản của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa về vǎn hoá và kỹ thuật. Đồng thời cần phải có kế hoạch dài hạn về đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, phương hướng chủ yếu là đào tạo nhiều cán bộ kỹ thuật, khoa học cho những ngành sản xuất có tầm quan trọng lớn đối với việc xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Ngoài ra, cần chú trọng đào tạo nhiều cán bộ quản lý kinh tế, quản lý hành chính, cán bộ các ngành khoa học xã hội. Trong việc đào tạo đội ngũ trí thức, cần kết hợp cả ba mặt chính trị, vǎn hoá và kỹ thuật, nghiệp vụ, lấy chính trị làm gốc, nhằm xây dựng một đội ngũ trí thức trung thành với chủ nghĩa xã hội, có trình độ kỹ thuật, nghiệp vụ ngày càng được nâng cao: Coi những đặc trưng này trở thành những tiêu chí sát thực về người trí thức trong điều kiện thực tiễn của xã hội. Trong thời điểm diễn ra hai cuộc cách mạng (ở miền Bắc và miền Nam), nhiệm vụ của Đảng là phải cần đào tạo nhanh và nhiều để kịp cung cấp cho nhu cầu về cán bộ của các ngành, đồng thời cần coi trọng chất lượng; cần đào tạo nhiều cán bộ trung cấp, đồng thời chú trọng đào tạo cán bộ cao cấp; cũng như chú ý bồi dưỡng và đào tạo cán bộ người các dân tộc thiểu số, chủ yếu nhằm phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế và vǎn hoá ở miền núi; bồi dưỡng và đào tạo cán bộ phụ nữ nhằm những ngành hợp với khả nǎng của phụ nữ; tích cực bồi dưỡng và đào tạo cán bộ người miền Nam, kết hợp phục vụ cho nhu cầu trước mắt và về sau. Song song với việc đào tạo cán bộ mới, cần coi trọng nâng cao trình độ chính trị và kỹ thuật, nghiệp vụ cho số cán bộ hiện có.
Đội ngũ trí thức còn có trách nhiệm  nghiên cứu và phổ biến khoa học kỹ thuật gắn liền với nhau và phục vụ sát yêu cầu phát triển kinh tế và vǎn hoá trong kế hoạch phát triển chung của xã hội. Các quan điêm của Đảng, của Lê Duẩn về đội ngũ trí thức còn hướng đến xác định những nhiệm vụ cụ thể của lực lượng này trong từng lĩnh vực cụ thể: Như đối với khoa học nông nghiệp phải coi trọng và đi sâu vào việc nghiên cứu đất và cải tạo đất; nghiên cứu việc sản xuất và sử dụng các loại phân bón; nghiên cứu chọn giống và tạo giống tốt về các loại cây trồng và súc vật; nghiên cứu các biện pháp cải tiến kỹ thuật sản xuất, cải tiến công cụ, sử dụng hợp lý và tǎng cường sức kéo của súc vật, thực hiện nửa cơ giới hoá và cơ giới hoá sản xuất, nghiên cứu các biện pháp bài trừ sâu bệnh cho cây trồng và trừ dịch cho súc vật; phát triển công tác khí tượng để thiết thực phục vụ sản xuất nông nghiệp và ngư nghiệp. Đối với khoa học và kỹ thuật phải bắt đầu ngay việc nghiên cứu một cách có hệ thống vấn đề nhiệt đới hoá kỹ thuật, nghiên cứu một số vấn đề kỹ thuật theo đòi hỏi của điều kiện tự nhiên của nước nhà (như mẫu máy kéo, lưới điện, phương pháp khai mỏ...); đặc biệt chú trọng nghiên cứu lợi dụng tổng hợp các loại nguyên liệu trong nước, dùng nguyên liệu trong nước thay thế cho các nguyên liệu nhập khẩu (chế biến các loại cây có sợi, sản xuất bông, tơ nhân tạo để dệt vải; dùng than không khói vào việc luyện kim, v.v.) và dùng các vật liệu trong nước vào việc xây dựng cơ bản; nâng cao trình độ thiết kế kỹ thuật lên một bước trong các ngành công nghiệp, thủy lợi, giao thông; xây dựng từng bước hệ thống các định mức, quy phạm và quy trình về kỹ thuật... Các ngành khoa học cơ bản như toán học, vật lý học, hoá học... cần được xúc tiến. Nước ta rất giàu về khoáng sản và về thực vật nhiệt đới, cho nên việc xây dựng và phát triển khoa học có tác dụng quan trọng đối với tiền đồ công nghiệp và nông nghiệp của ta. Y học cần chú trọng nghiên cứu tỷ lệ các bệnh tật trong nhân dân, các nguyên nhân gây ra bệnh và làm chết người, nghiên cứu một số bệnh nhiệt đới và những bệnh nghề nghiệp thường xảy ra; thừa kế và phát huy các kinh nghiệm quý báu về Đông y; nghiên cứu những nguồn dược liệu trong cây cỏ nước ta; nghiên cứu thức ǎn uống và tiêu chuẩn ǎn uống thích hợp với hoàn cảnh khí hậu nhiệt đới, phù hợp với điều kiện sinh hoạt của ta. Cần phối hợp giữa các ngành, tiến hành một cách có hệ thống việc điều tra cơ bản để phục vụ việc lập các quy hoạch kinh tế.  Các ngành triết học và khoa học xã hội cần tập trung nghiên cứu những quy luật chung và những đặc điểm trong sự phát triển của cơ sở kinh tế và kiến trúc thượng tầng ở miền Bắc nước ta trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, xúc tiến việc sưu tầm các di sản dân tộc về triết học và khoa học xã hội. Cần tiến hành phân tích, phê phán, đánh bại những quan điểm tư tưởng không vô sản ở miền Bắc và đánh bại những lý luận, quan điểm phản động của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai của chúng gieo rắc ở miền Nam. Đi đôi với việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu, cần ra sức phổ biến một cách có hệ thống và có trọng điểm chủ nghĩa Mác - Lênin và những hiểu biết cơ bản về từng ngành khoa học xã hội theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và nhân sinh quan cộng sản chủ nghĩa trong cán bộ và nhân dân lao động. Để thực hiện nhiệm vụ này, cần coi trọng việc xuất bản các loại sách giáo khoa và sách phổ thông.
Có thể nhận thấy, những quan điểm đó đã nhìn nhận và đặt vị trí của đội ngũ trí thức vào những hoàn cảnh cụ thể, đòi hỏi mỗi người trí thức cần có những phẩm chất chính trị, có khả năng chuyên môn và cùng định hướng tiến tới mục đích chung của xã hội: xây dựng, bảo vệ và phát triển xã hội. Quan điểm của người không chỉ dừng lại ở việc đòi hỏi từ đội ngũ trí thức đối với sự nghiệp cách mạng chung mà còn nhằm đến nhắc nhở, yêu cầu toàn xã hội hướng đến chăm lo, bồi dưỡng, tạo cơ chế, tạo điều kiện để đội ngũ trí thức được phát triển, vận dụng tri thức và kinh nghiệm cho sự phát triển chung.
- Vai trò của đội ngũ trí thức trẻ trong sự nghiệp chung: Là một lực lượng chiếm phần lớn nguồn lực nhân khẩu xã hội, thanh niên-đội ngũ trí thức trẻ luôn đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Do đó, trong những quan điểm của mình về thanh niên, Lê Duẩn luôn đánh giá về vị trí-vai trò tương xứng và dành tình cảm tốt đẹp cho đội ngũ thanh niên nói chung, đội ngũ trí thức trẻ nói riêng trong sự nghiệp cách mạng, sứ mệnh của họ.
Để xứng đáng với sự kỳ vọng như vậy về vị trí, vai trò trong sự nghiệp cách mạng của mình, Lê Duẩn đã nhìn nhận và đặt ra những yêu cầu đối với trí thức trẻ đó phải là những người sống, làm việc, học tập theo gương những người cộng sản với những nội dung sau: Không bao giờ chịu khuất phục địch; Phải biết hy sinh, hy sinh nhiều hơn nữa; phải đem hết sức mình, anh dũng lao động xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà.
Thanh niên luôn là lực lượng xung kích trong mọi hoạt động của nước nhà. Sự nghiệp cách mạng nước nhà thắng lợi không phải là sự tình cờ, mà đó là kết quả dựa trên sức mạnh đoàn kết, chiến đấu của toàn dân tộc nói chung, của lực lượng trẻ, của thanh niên, của giới tri thức nói riêng. Trong sức mạnh của dân tộc, có sức mạnh của thanh niên. Thanh niên có mạnh, dân tộc mới mạnh. Nguồn gốc tạo nên sức mạnh đó của thanh niên bắt đầu từ lý tưởng cách mạng, lý tưởng cách mạng mà Đảng ta đã dành và giáo dục thế hệ trẻ trong nhiều năm qua, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của tổ chức Đảng.
Do đó, từ cách nhìn của mình về giới trẻ, Lê Duẩn cho rằng cần xác định lý tưởng cách mạng cho thanh niên: Lý tưởng đó chính là mục tiêu phấn đấu của thanh niên. Phải đào tạo thanh niên, đội ngũ trí thức trở thành những chiến sỹ quyết thắng, những con người anh hùng trong mọi lĩnh vực. Đó là những con người có lòng yêu nước nồng nàn, có ý thức giác ngộ cách mạng, phải có dũng khí đấu tranh kiên cường bất khuất, không sợ hy sinh, sẵn sàng quên mình vì cách mạng; phải có tinh thần kỷ luật, tự giác, phải có tri thức cách mạng, tinh thần độc lập.
Theo Lê Duẩn, trong con đường xây dựng, bảo vệ tổ quốc, mối quan hệ Công-Nông-Trí đóng vai trò hết sức quan trọng; làm sao đảm bảo được quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của từng bộ phận: Gắn quyền lợi của dân tộc với quyền lợi của mọi giai cấp, tầng lớp; yêu cầu độc lập dân tộc luôn gắn chặt với nhẽng yêu cầu về sự tự do, dân chủ. “Dân tộc, giai cấp, gia đình là nhất trí; yêu nước, yêu nhân dân, yêu gia đình là nhất trí; độc lập, dân chủ, tự do, chủ nghĩa xã hội là nhất trí; chủ nghĩa yêu nước chân chính, chủ nghĩa quốc tế vô sản là nhất trí; tất cả những cái đó không tách rời nhau mà kết hợp chặt chẽ với nhau tạo thành tinh thần yêu nước hết sức sâu sắc và cao đẹp của nhân dân ta, của thanh niên ta[1]
Đồng thời, theo Lê Duẩn, một nhiệm vụ quan trọng khác là cần bồi dưỡng chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thanh niên: “Người thanh niên có lý tưởng cách mạng phải có dũng khí chiến đấu kiên cường, bất khuất, không ngại gian khổ, không sợ hy sinh, dám xả thân vì cách mạng vì nhân dân, vì nghĩa lớn[2]
Thanh niên, trí thức trẻ phải có tinh thần tận tụy, lòng trung thành, đức tính hy sinh dám xả thân vì cách mạng. Người thanh niên có lý tưởng cách mạng còn là người có ý thức tổ chức, kỷ luật cao; có đức tính xung phong; có tinh thần tập thể; có tri thức cách mạng, có tinh thần độc lập tự chủ, sáng tạo trong mọi công việc mọi hoàn cảnh. Có tri thức cách mạng, mới giúp nhận thức rõ được con đường cách mạng, hiểu rõ lý tưởng của mình. Thanh niên, trí thức trẻ ngoài việc rèn luyện bản thân có tình cảm cách mạng sôi nổi, say sưa, có dũng khí, có ý thức kỷ luật còn phải ra sức học tập tri thức khoa học cách mạng, học tập chủ nghĩa Mác Lênin, học tập đường lối chủ trương, chính sách của Đảng.
Có thể nhận thấy, từ những quan điểm trực diện hay chưa trực diện về đội ngũ trí thức Việt Nam nói chung, về trí thức nói riêng, yêu cầu mọi trí thức phải là những con người mới xã hội chủ nghĩa, là lực lượng tiên phong trong mọi phong trào xã hội, đặc biệt là trong lao động, sản xuất đã trở thành nội dung cốt lõi của Lê Duẩn. Những quan điểm đó vừa có tính thực tiễn, vừa có tính định hướng và phổ quát trong mọi điều kiện xã hội
 Đánh giá tổng quan về đội ngũ trí thức Hà Nội
Trải qua sự phát triển của lịch sử, trong từng giai đoạn, vị trí của đội ngũ trí thức Việt Nam nói chung, đội ngũ trí thức trẻ nói riêng đã tham gia thực hiện nhiều công việc quan trọng của xã hội. Trải qua sự phát triển lâu dài, với cái nôi của nền văn hiến đất nước, Hà Nội trong sự nghiệp phát triển của mình đã trở thành trung tâm của việc đào tạo đội ngũ trí thức, trung tâm của đội ngũ trí thức học tập, nghiên cứu, phụng sự xã hội. Khởi nguồn từ việc xây dựng đại học đầu tiên của nước nhà (1076 với Quốc Tử Giám), từ đó đến nay, Hà Nội đã đào tạo nhiều trí thức, nhân tài cho xã hội. Kể từ khoa thi đầu tiên năm 1075 đến khoa thi cuối cùng năm 1919, theo sử sách ghi lại có tất cả 188 khoa thi Nho học và tuyển chọn 2989 tiến sỹ, 266 vị đỗ phó bảng và 66 tiến sỹ chưa có thư tịch để xác định cụ thể, trong đó có 47 vị đỗ trạng nguyên, 48 vị đỗ bảng nhãn, 75 vị đỗ thám hoa[3]. Từ khi hòa bình lập lại, đặc biệt trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước trong quá trình toàn cầu hóa, hội nhập, vị trí của Hà Nội trong quá trình bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, đội ngũ trí thức lại thực sự quan trọng hơn, với hệ thống các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học-cao đẳng, các cơ quan nhà nước, Hà Nội đã được nhìn nhận là trung tâm của đội ngũ trí thức của cả nước.
Là một bộ phận đặc thù trong cơ cấu của đội ngũ trí thức, những trí thức trẻ dù trong môi trường đang được đào tạo hay trong môi trường đang áp dụng tri thức vào sự phát triển chung, đội ngũ trí thức trẻ đã chủ động, tích cực tham gia, xung kích, chủ động trong các phong trào của Thủ đô, đất nước. Những phong trào đó được biết đến như xung kích trong học tập, nghiên cứu khoa học, áp dụng và phổ biến khoa hoc, xung kích hang hái trong việc xây dựng và bảo vệ tổ quốc; xung kích chủ động trong các phong trào xã hội. Những hoạt động đó trong khuôn khổ nội dung hoạt động Đoàn, hoạt động của Thanh niên đã trở thành điểm sang trong hoạt động chung của tuổi trẻ cả nước trong thời gian qua.
Suy nghĩ của trí thức trẻ Hà Nội về các quan điểm của Lê Duẩn về đội ngũ trí thức trẻ hiện nay
Có thể nhận thấy, trí thức Việt Nam nói chung, trí thức trẻ Việt Nam nói riêng đang sống, học tập, nghiên cứu và làm việc trong một môi trường thuận lợi, được cả xã hội quan tâm và vun đắp. Tuy nhiên, trong quá trình cống hiến đó, đội ngũ trí thức hiện nay đã, đang và sẽ gặp phải những thách thức sau:
Thứ nhất, khoa học và công nghệ đang phát triển nhanh chóng: Điều đó đòi hỏi đội ngũ trí thức trẻ phải luôn trau dồi, tự nghiên cứu và nâng cao trình độ chuyên môn (lý luận và thực tiễn). Sự phát triển nhanh chóng đó cũng là một sự thực đang đặt ra đó là đội ngũ trí thức sẽ càng bị lạc hậu nhanh nếu sự cập nhật thông tin, trí thức mới chậm và không phù hợp.
Thứ hai, trí thức trẻ đang sống trong một xã hội thông tin, với nhiều nguồn thông tin đa dạng, đôi khi trái chiều, và sẽ làm cho người tiếp nhận thông tin khó phân tích, xác định và lượng giá thông tin nào phù hợp. Điều này sẽ là những thách thức lớn đối với đội ngũ trí thức trẻ trong việc tự tạo dựng cho một một lý tưởng sống riêng.
Thứ ba, xu hướng chảy máu chất xám đang diễn ra từ nơi có điều kiện làm việc thấp, thu nhập thấp sang nơi có điều kiện làm việc tốt hơn, thu nhập cao hơn. Điều đó cũng trở thành những thách thức lớn đối với đội ngũ trí thức trẻ hiện nay.
Trong một xã hội đang chuyển đổi như thế, từ vị trí và vai trò của mình trong sự nghiệp phát triển chung, từ những quan điểm về xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức của Lê Duẩn, đội ngũ trí thức trẻ Hà Nội cần và đặt ra những suy nghĩ ở trên các khía cạnh sau:
- Tự xác định những định hướng giá trị về xây dựng mẫu hình con người mới theo tư tưởng của Lê Duẩn, phù hợp với thực tiễn, phù hợp với sự phát triển chung của xã hội;
- Tiếp tục tự đào tạo về chuyên môn và phẩm chất đạo đức, và tham gia phát triển những tri thức khoa học phục vụ sự nghiệp chung (biến bản thân vừa là tác nhân, vừa là chủ thế của quá trình xã hội hóa quan điểm của Lê Duẩn về vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức, của đội ngũ thanh niên)
- Đề xuất về sự tham gia của cán bộ, đội ngũ trí thức trẻ không chỉ thuần túy từ góc độ yêu cầu của xã hội mà còn với tư cách là lực lượng chủ động hơn, mang tính động hơn, và nhấn mạnh đến nghĩa vụ vừa đóng góp-vừa phản biện cho sự phát triển chung của xã hội.
Hơn lúc nào hết, từ yêu cầu của thực tiễn xã hội, nước ta cần nhanh chóng phát triển đội ngũ trí thức vừa có phẩm chất chính trị, và có khả năng-năng lực chuyên môn, hợp lý về cơ cấu, đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phù hợp với xu thể của thời đại và đặc điểm cụ thể của nước nhà. Đó cũng là những mong mỏi, một số quan điểm của Lê Duẩn về vị trí, vai trò của đội ngũ này./.


[1] Thanh niên với chủ nghĩa anh hùng cách mạng, NXB Thanh niên, 1968, tr61-62
[2] Thanh niên với chủ nghĩa anh hùng cách mạng, NXB Thanh niên, 1968, tr63
[3] Trần Văn Thành, Danh sĩ Thanh Hóa và việc học thời xưa, NXB Thanh Hóa, 1995, tr.8

Trần Văn Kham, Trường ĐH KHXH&NV, 2007

Post a Comment

0 Comments