Đây là bài viết tóm tắt kết quả nghiên cứu cho luận văn cao học. Bài viết được đăng trên tạp chí Khoa học xã hội, Vol 22, no1, trang 73-83 năm 2006.
Phân công lao động và phối hợp các hoạt động là hai nội dung cơ bản của một tổ chức, nhóm xã hội. Thực hiện được hai vấn đề này là điều kiện cần thiết để tổ chức, nhóm xã hội đó tồn tại và phát triển. Cộng đồng khoa học cũng được xem như là một nhóm xã hội đặc thù, những cá nhân trong nhóm xã hội này có những đặc điểm chung về chức năng xã hội của họ. Những quan niệm chung về cộng đồng khoa học cũng được nhìn nhận là vấn đề đặc biệt quan trọng, trọng tâm của xã hội học khoa học. Đó là đối tượng nghiên cứu điển hình về cơ cấu-cấu trúc xã hội trong xã hội học khoa học. Luật khoa học và công nghệ (2000) có xác định hoạt động khoa học và công nghệ là hoạt động xã hội hướng đến sản xuất, tạo dựng các tri thức khoa học, ứng dụng các tri thức khoa học, đáp ứng các nhu cầu phục vụ xã hội. Hoạt động khoa học và công nghệ bao gồm tất cả các hoạt động có hệ thống liên quan chặt chẽ tới việc sản xuất, nâng cao, truyền bá và ứng dụng các kiến thức khoa học và công nghệ; đây là môi trường khoa học tạo dựng được nhiều hình thức tương tác lẫn nhau giữa các nhà khoa học.

Sự giãn cách thế hệ giữa các nhà khoa học đang là vấn đề đáng lưu ý trong sự phát triển của cộng đồng khoa học hiện nay; việc đào tạo lực lượng những nhà khoa học trẻ đang là vấn đề cần thực hiện theo quy trình ở từng thiết chế nghiên cứu khoa học hiện nay. Phối hợp, cộng tác nghiên cứu giữa các thành viên trong cộng đồng khoa học, giữa thành viên trong cộng đồng khoa học này với các thành viên cộng đồng khoa học khác là điều cần thiết, cần thúc đẩy.
Trường ĐH KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội là nơi tập trung nhiều nhà khoa học với nhiều lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn khác nhau (trong tổng số 466 cán bộ của Nhà Trường, hiện có 10 Giáo sư, 33 Phó Giáo sư; 118 Tiến sỹ Khoa học và Tiến sỹ; 113 Thạc sỹ), đã trở thành cộng đồng khoa học vững mạnh, đang dần đáp ứng những nhu cầu do thực tiễn xã hội đặt ra. Trong 6 chương trình hoạt động định hướng phát triển Nhà trường theo hướng chuẩn hoá-hiện đại hoá đến năm 2010, việc đào tạo một lực lượng các nhà khoa học đủ chất lượng phục vụ nhu cầu thực tiễn xã hội, đòi hỏi có những hướng triển khai phù hợp. Trong thời gian qua, Nhà trường đã từng bước phát huy những lợi thế của các nhà khoa học theo các mô hình làm việc theo nhóm, tăng cường tính liên ngành, liên thế hệ, hỗ trợ bổ sung kiến thức lẫn nhau, cùng tham gia thực hiện những nội dung hoạt động khoa học và công nghệ đã được các nhà khoa học tiến hành thực hiện… Những hoạt động đó đã làm cho diện mạo hoạt động khoa học và công nghệ của Nhà trường được đổi mới, hoà nhập cùng xu hướng phát triển nghiên cứu và đào tạo trong tình hình mới, dần đáp ứng được những nhu cầu của xã hội đặt ra.
Hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học là một vấn đề cần và đáng đựơc quan tâm trong tình hình hiện nay nhưng luôn được xem là một vấn đề khó xác định. Những đặc điểm nội bật trong hành động hợp tác giữa các nhà khoa học chính là có yếu tố thoả ước, đồng thuận giữa các nhà khoa học thể hiện được những động cơ cụ thể của các nhà khoa học trong việc đảm bảo sự tồn tại, phát triển của bản thân trong nghề nghiệp của mình.
Điều 17 Luật khoa học và công nghệ[1] (được thông qua tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá X) có nhấn mạnh đến quyền và nghĩa vụ của các cá nhân. Để thực hiện những nhiệm vụ được đặt ra đối với các nhà khoa học từ thiết chế xã hội mà họ đang tham gia trong đó, các nhà khoa học từ chỗ tiến hành giải quyết công việc của mình một cách đơn độc, hướng đến cùng nhau hành động, hợp tác. Điều này sẽ tạo thành mạng lưới tham gia và thực hiện giải quyết các công việc của mình theo hướng hợp tác, cùng giải quyết công việc theo xu hướng làm việc theo nhóm.
Nhiều nhà khoa học nghiên cứu về lịch sử phát triển khoa học nhận xét rằng: Một trong những biến đổi quan trọng của nghiên cứu khoa học trong thế kỷ 20 chính là sự biến đổi từ những công việc được tiến hành đơn lẻ sang hình thức được tiến hành theo nhóm, tập đoàn. Những vấn đề nghiên cứu ngày càng phức tạp bao nhiêu, biến đổi nhanh chóng bấy nhiêu cũng đòi hỏi những biến đổi quan trọng về chuyên môn hoá của các nhà khoa học, vấn đề phân công lao động và sự hợp tác, phối hợp với nhau của các nhà khoa học trong tiến trình giải quyết công việc đó.
Nhiều học giả nước ngoài đã đi vào đánh giá, phân tích những lý do rất cụ thể về việc tại sao trong gần 20 năm qua, mức độ hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học với nhau ngày càng có xu hướng gia tăng. Các học giả này đã chỉ ra được những nguyên nhân cơ bản trong sự biến đổi một cách có hệ thống từ các vấn đề nghiên cứu đến những vấn đề về thay đổi thiết chế nghiên cứu, nhu cầu của thị trường khoa học, đặc biệt từ những vấn đề về tự đào tạo, tự nâng cao trình độ của chính các nhà khoa học.
Sylvan Kattz và Ben Martin[2] đề cập đến một số yếu tố sau: Thứ nhất, ngày càng có sự gia tăng về mặt chi phí cho công việc mua sắm công cụ nghiên cứu, mua tư liệu, chi phí tiến hành các bước nghiên cứu thông thường. Thông qua việc hợp tác giữa các nhà khoa học sẽ làm tăng tần suất sử dụng những loại hình công cụ, tư liệu này, đồng thời tăng mức phổ biến những tri thức khoa học cho các đối tượng, các nhà khoa học khác nhau. Thứ hai, chi phí của các hình thức liên lạc, đi lại đã giảm mạnh nhiều so với cách đây 20 đến 30 năm nhờ sự phát triển mạnh mẽ khoa học kỹ thuật và công nghệ. Thứ ba, chính các nhà khoa học cũng tự nhận thức và hiểu rõ được vai trò làm việc theo nhóm, làm việc trong cộng đồng khoa học. Chỉ thông qua những mô hình làm việc như vậy thì quá trình sản sinh ra tri thức khoa học tiến bộ sẽ được tiến hành có chọn lọc và dễ thành công hơn. Thứ tư, việc cụ thể hoá các công đoạn trong quá trình nghiên cứu là hết sức cần thiết và có ý nghĩa cho việc thực hiện các đề tài nghiên cứu (đặc biệt cần thiết cho các chuyên ngành cần có những công cụ, phương thức làm việc phức tạp…). Thứ năm, xu hướng liên ngành đang gia tăng, việc ứng dụng các phương pháp-tri thức liên ngành trong việc giải quyết các vấn đề cụ thể của đời sống xã hội, những lĩnh vực chuyên môn là những yêu cầu cơ bản đòi hỏi cần có sự hợp tác của các nhà khoa học trong cùng một chuyên ngành cũng như khác chuyên ngành…
Trong cuộc khảo sát các nhà khoa học tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (tháng 9.2004)[3], chúng tôi có đề ra một số mục đích cho việc tham gia vào các đề tài nghiên cứu khoa học như sau:
Bảng 1: Mục đích hướng đến hợp tác nghiên cứu
Stt | Mục đích | Tỷ lệ (%) |
Tăng cường năng lực nghiên cứu | 67.3 | |
Hiệu quả công việc được nâng cao hơn. | 50.9 | |
Có được các công trình nghiên cứu | 49.1 | |
Đào tạo lẫn nhau | 43.6 | |
Tiếp cận đến phương tiện, nguồn tư liệu, những vấn đề mà bản thân không có. | 34.5 | |
Tạo được uy tín trong quá trình tham gia hợp tác. | 29.1 | |
Giúp người nghiên cứu tập trung nhiều hơn đến vấn đề nghiên cứu | 27.3 | |
Làm cho mọi người biết nhau, tạo nên mạng lưới làm việc | 25.5 |
Theo M.Weber, hành động hợp tác giữa các nhà khoa học với nhau cũng được xem là một kiểu hành động xã hội. Mặc dù đây là những hành động được xuất phát từ ý nghĩa chủ quan của cá nhân các nhà khoa học nhưng nó đều được định hướng, áp đặt thông qua các chuẩn mực, hệ thống giá trị của cộng đồng khoa học đó. Đồng thời, kiểu hành động này cũng đem lại và bị tác động thông qua những mô hình hợp tác khác nhau, thông qua các chủ thể khác trong cộng đồng, thông qua nhiệm vụ của chính tổ chức mà cá nhân nhà khoa học đang thực hiện nhiệm vụ. Có thể nhận thấy, kiểu hành động đó không những được định hướng bởi chủ thể (tính mục đích) mà còn thông qua việc định hướng ý nghĩa của cộng đồng khoa học (tính mục tiêu). Theo các mô hình hành động của M.Weber, hành động hợp tác giữa các nhà khoa học là hành động xã hội mang tính phức hợp về mặt mục đích, nó có thể mang tính truyền thống, cảm xúc, phù hợp giá trị hay lợi ích tuỳ vào các tình huống hoạt động khác nhau, tuỳ vào các đối tác thực hiện hành động.
Từ bảng số liệu này, mục đích tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học nhằm định hướng chính yếu đến việc nâng cao năng lực nghiên cứu và tạo khả năng nâng cao hiệu quả công việc. Đây là hai vấn đề cơ bản chủ yếu mà bất cứ một nhà khoa học nào cũng cần phải hướng đến. Đồng thời, qua việc liệt kê những mục đích cụ thể như vậy, cũng cho thấy nghiên cứu mới chỉ dừng lại trên một số mục đích cơ bản của quá trình hợp tác. 8 mục đích này xây dựng dựa trên những vấn đề bao hàm được một số nội dung khác nhau của quá trình hợp tác. Xét về mặt sắp xếp theo thứ tự, luận văn cũng cho thấy một trong những mục đích cơ bản đó là: có được công trình nghiên cứu cũng thể hiện được một vấn đề mang tính tiềm tàng về mục đích thực sự của quá trình nghiên cứu: có được các công trình nghiên cứu- nhằm tính điểm cho nghiên cứu khoa học không chỉ cho lực lượng cán bộ trẻ mà còn dành cho cả lực lượng cán bộ không trẻ nữa.
Trong thực tế của các mô hình hoạt động nghiên cứu khoa học cũng như công bố các sản phẩm của quá trình nghiên cứu. Một tác giả-nhà khoa học trẻ rất khó để có được những cơ chế cụ thể nhằm đăng tải những kết quả nghiên cứu của mình một cách độc lập. Nhiều học giả trẻ đã thực hiện việc hợp tác cùng các nhà khoa học đầu ngành, những nhà khoa học có vị thế vững chắc trong hoạt động chuyên môn để đăng tải nghiên cứu trên đúng các tờ tạp chí chuyên môn. Vấn đề này đôi khi cũng tạo được những định hướng cho việc đạt được mục đích của quá trình nghiên cứu.
Thông qua nghiên cứu này, đa phần các học giả dưới 35 tuổi đã quan tâm nhiều đến mục đích có được công trình nghiên cứu (51.9%). Với độ tuổi trên 45, sự nhìn nhận, đánh giá của nhóm tuổi này về mục đích có được công trình nghiên cứu thông qua hợp tác nghiên cứu là xu hướng giảm, thể hiện được khả năng làm chủ được về mặt chuyên môn, tự khẳng định nghề nghiệp của lực lượng nhà khoa học trong độ tuổi này.
Ngoài việc xác định những mục đích định hướng những nhà khoa học tiến lại với nhau qua những mô hình hợp tác. Nghiên cứu cũng tiến hành đề xuất một số động cơ thúc đẩy đẩy theo hoạt động theo nhóm, với mục đích: cần chia sẻ tri thức khoa học (mới); cần trao truyền lại cho thế hệ trẻ những kỹ năng nghiên cứu; do yêu cầu làm việc theo nhóm; và những vấn đề nghiên cứu ngày càng phức tạp đòi hỏi các nhà nghiên cứu hợp tác với nhau.
ở bất cứ cộng đồng khoa học nào cũng đều cần có việc tạo dựng những hướng đi mới hình thành quá trình đào tạo lẫn nhau giữa các nhà khoa học. Điều này không chỉ dừng lại ở việc truyền thụ lại những kiến thức khoa học ở từng lĩnh vực cụ thể, chuyên biệt. Mà trong thực tế thì vai trò của những nhà khoa học đi trước còn thực hiện được nhiệm vụ như là người đào tạo, người huấn luyện những nhà khoa học trẻ, mới vào nghề - Trao truyền lại kỹ năng nghiên cứu cho thế hệ trẻ. Những kiến thức-phương pháp học được từ mô hình, cách thức này hoàn toàn khác với những cách thức học phương pháp luận thuần tuý trên giảng đường, qua các khoá huấn luyện. ý nghĩa này còn cho thấy quá trình hợp tác trong nghiên cứu khoa học còn ẩn chứa nhiều những hoạt động thể hiện được tính trao truyền, ý nghĩa tác nghiệp của quá trình hoạt động. Qua khảo sát đội ngũ các nhà khoa học, chúng ta nhận thấy được những yêu cầu của cộng đồng khoa học được các nhà khoa học đánh giá như sau:
Bảng 2: Những yếu tố có nhiều tác động đến hợp tác nghiên cứu (%)
Stt | Nội dung | Tỷ lệ (%) |
Những vấn đề nghiên cứu ngày càng phức tạp đòi hỏi có sự hợp tác | 85.5 | |
Cần chia sẻ tri thức khoa học. | 47.3 | |
Do yêu cầu làm việc nhóm | 27.3 | |
Cần trao truyền lại cho thế hệ trẻ những kỹ năng nghiên cứu | 23.6 |
Kỳ vọng của nghiên cứu này cũng muốn nhìn nhận những yếu tố nào là chính yếu trong quá trình tác động đến sự hợp tác giữa các nhà khoa học. Chúng ta nhận thấy quan điểm của các nhà khoa học nhìn nhận và xuất phát từ chính những vấn đề nghiên cứu cụ thể đã tạo được sự định hướng, tạo được yêu cầu chính yếu giúp các nhà khoa học gắn kết lại với nhau. Chỉ có thông qua thực tiễn cụ thể mới có thể hình dung rõ hơn những vấn đề cụ thể trong quá trình hợp tác. Mục đích tham gia các đề tài nghiên cứu là nhằm giúp người nghiên cứu tập trung đến vấn đề nghiên cứu lại được xem là phương án ít lựa chọn nhất trong các mục đích nghiên cứu trong khi yếu tố định hướng để tham gia các đề tài nghiên cứu theo các mô hình hợp tác lại lựa chọn được nội dung vì các vấn đề nghiên cứu càng phức tạp ở giá trị cao hơn cả. Đây là một điều cũng dễ nhìn nhận khi mục đích và những yếu tố định hướng trong hành động của một cá nhân chưa hoàn toàn trùng khớp vào nhau, đặc biệt lại ở chính trong việc lựa chọn những cơ chế tham gia thực hiện và giải quyết các vấn đề cụ thể trong nghiên cứu.
Xuất phát từ tính phức tạp của vấn đề nghiên cứu, các nhà khoa học trẻ đã hướng đến việc tương tác với nhau, cùng giải quyết những nội dung cơ bản của tiến trình nghiên cứu. Qua khảo sát các nhà khoa học ở cộng đồng khoa học: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, chúng ta nhận thấy: hai vấn đề mà nhà khoa học trẻ dưới 35 cùng quan tâm hướng đến nhìn nhận, đánh giá nhiều nhất đó chính là tính phức tạp của vấn đề nghiên cứu và cùng chia sẻ tri thức. Chỉ có thông qua hợp tác, các mối quan hệ xã hội trong hoạt động khoa học mới được củng cố, tạo được nhiều hành động tương tác, trao đổi những nội dung, công việc giữa đối tác không có và đối tác có các phương tiện phục vụ nghiên cứu, nguồn tư liệu, nguồn lực cho quá trình nghiên cứu, giữa người có kinh nghiệm và người chưa có kinh nghiệm. Trong khi đó, những nhà khoa học trong độ tuổi 35 đến 45 được xem là nguồn lực khoa học đã thể hiện được khả năng chuyên môn của mình, sẵn sàng hướng đến việc trao truyền kỹ năng nghiên cứu và cách thức làm việc theo nhóm hơn.
Cũng qua những vấn đề tương tự, để hướng đến hiểu rõ hơn những quá trình hợp tác nghiên cứu diễn ra thông qua những bối cảnh, tình huống nào. Chúng tôi có đề ra câu hỏi đánh giá về vấn đề này qua các tiêu chí cụ thể sau:
Từ những vấn đề đặt ra này, qua khảo sát các nhà khoa học tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, chúng tôi nhận thấy:
Biểu đồ: Lý do đưa các nhà khoa học hướng đến hợp tác nghiên cứu (%)
Biểu đồ này cũng thêm những thông tin cụ thể để qua mô hình đi từ mục đích, yếu tố định hướng các nhà khoa học hợp tác với nhau như thế nào. Qua phần bối cảnh tạo ra hoạt động hợp tác nghiên cứu này, chúng ta có thể thấy rõ xu hướng: việc quan tâm đến vấn đề nghiên cứu bao nhiêu cũng sẽ tạo được xu hướng hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học bấy nhiêu.
Việc hợp tác giữa các nhà khoa học với nhau có thể biểu hiện ở các hạng mục sau: (i) Hợp tác từ quá trình xác định vấn đề nghiên cứu, đến thu thập dữ liệu, viết báo cáo và công bố kết quả nghiên cứu. Đây được coi là mô hình hợp tác đầy đủ-trọn vẹn quá trình nghiên cứu; (ii) Cũng có những hình thức hợp tác chưa trọn vẹn, nghĩa là có sự thiếu hụt một trong những bước cụ thể trong quá trình nghiên cứu. Các nhà khoa học hợp tác với nhau theo lĩnh vực này đã biết phát huy sức mạnh, khả năng nghiên cứu, khả năng chuyên môn của bản thân ở từng lĩnh vực, giai đoạn nhất định. Có mô hình các nhà khoa học chỉ tham gia một công đoạn đầu tiên, hoặc cũng có thể tham gia nghiên cứu độc lập với những mảng vấn đề khác nhau để rồi cùng thống nhất-tập hợp những kết quả nghiên cứu vào một chủ đề nghiên cứu rộng hơn, bao quát được các vấn đề được thực hiện đơn độc. Hình thức này đòi hỏi sự chỉ đạo, có người nắm chắc được định hướng nghiên cứu chủ đạo của vấn đề nghiên cứu.
Có thể khẳng định hợp tác không phải là quá trình song hành giữa các nhà khoa học trong một, một số công đoạn cụ thể của quá trình nghiên cứu, trong một đề án nghiên cứu; sự hợp tác còn biểu hiện được sự không hiện hữu giữa các nhà khoa học trong một công đoạn được thực hiện: hợp tác đôi khi chỉ xuất phát từ việc làm đơn giản là có những ý kiến góp ý về vấn đề nghiên cứu. Chính cấu trúc về mặt tổ chức của trường đại học cũng là một yếu tố quan trọng có tác động đến cách tạo dựng, duy trì các mô hình hợp tác. Trong nhiều công trình nghiên cứu khoa học gần đây về mối quan hệ giữa các nhà khoa học cũng như về cộng đồng khoa học thường xuất hiện một số vấn đề về trật tự của cộng đồng khoa học. Có những câu hỏi đặt ra khẳng định và bàn luận đến trật tự xã hội của cộng đồng khoa học có thể được nhìn nhận ở một số khía cạnh sau:
- Thứ nhất, điều gì đã tạo dựng được cộng đồng khoa học là một tập hợp các chủ thể hành động (các nhà khoa học). Đây là câu hỏi có liên quan nhiều đến nội dung: thông qua việc tạo dựng và chia sẻ những tri thức chung nhất mà các nhà khoa học gắn kết lại với nhau trong một môi trường gọi là cộng đồng khoa học. Cộng đồng khoa học đã trở thành diễn đàn quan trọng cho việc truyền bá thông tin, tri thức khoa học mới, biến tri thức khoa học mang tính cá nhân trở thành tri thức mang tính tập thể, từ vật mang tri thức đơn lẻ hướng đến vật mang tri thức tổng thể, cao nhất đó là của cộng đồng khoa học.
- Thứ hai, quan hệ giữa các thành viên trong cộng đồng khoa học được thiết lập như thế nào. Nhiều nhà khoa học đã khẳng định chính thông qua quá trình sản xuất tri thức (quá trình nghiên cứu khoa học) mà các nhà khoa học xích lại gần với nhau. Thông qua đó, chủ thể của hành động nghiên cứu khoa học có vai trò quyết định đến sự ổn định của cộng đồng khoa học. Hợp tác giữa các nhà khoa học đạt được là cách điều chỉnh tốt nhất cho phát triển của cộng đồng khoa học. Việc hợp tác này khác với những mô hình hợp tác của thị trường (thông qua giá cả), khác với hợp tác qua mạng lưới (thông qua sự tin tưởng giữa các chủ thể) mà hợp tác trong cộng đồng khoa học không chỉ nhằm đến đạt được những vấn đề chung nhất của các chủ thể trong cộng đồng mà còn hướng đến làm cho cộng đồng ổn định và phát triển. Tạo dựng được hệ thống tri thức trong cộng đồng khoa học đã trở thành vấn đề trung tâm đạt được sự ổn định của trật tự cộng đồng khoa học.
Thông qua giao tiếp, hoạt động hợp tác sẽ quyết định thông tin nào, tư liệu nào cần thiết cho quá trình nghiên cứu. Qua việc trao đổi, truyền đạt thông tin cho nhau - một mô hình trao đổi về vật chất và tinh thần được thực hiện. Theo Richard Emerson[4] thì sự trao đổi đó trong mối quan hệ tương tác giữa các nhà khoa học được thực hiện qua các bước: (1) nhận thức các cơ hội từ ít nhất một phía, (2) tiến hành thực hiện hành vi trao đổi, (3) hoàn thiện sự trao đổi. Những yếu tố: vị thế xã hội, ưu thế về uy tín, khả năng sở hữu các nguồn tư liệu… của các bên tham gia trao đổi cũng có nhiều ảnh hưởng đến quá trình trao đổi giữa các nhà khoa học.
Hợp tác giữa các nhà khoa học còn được biểu hiện đặc trưng cơ bản: thực hiện những mục tiêu cụ thể của tổ chức. Các nhóm, các yếu tố cấu thành của tổ chức đó cần tiến hành và thực hiện những nhiệm vụ phân tích, so sánh, thừa nhận những mục tiêu của tổ chức là cần thiết, đúng-hợp lý với bộ phận nhỏ của mình trong tổ chức. Trong trường đại học, ngoài nhiệm vụ giảng dạy, nhiệm vụ nghiên cứu cũng được các trường đại học đặt ra và xem đó là những mục tiêu chung nhất, những nhiệm vụ chung nhất mà mọi thành viên trong đó cần phải thực hiện. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đang trong quá trình thực hiện 6 chương trình hành động hướng đến chuẩn hoá và hiện đại hoá các mặt hoạt động của Nhà trường, ngoài nhiệm vụ mang tính chung nhất khi gia nhập vào tổ chức trường học, các nhà giáo-các nhà khoa học tại thiết chế xã hội này đang có nhiệm vụ cần xác lập các nội dung và những định hướng cho chính bản thân mình trong quá trình thực hiện 6 chương trình này. Mỗi một nhà khoa học với một vị trí khác nhau cần phải xây dựng cho mình những chiến lược riêng. Nếu xét về yếu tố cố kết của tổ chức thì vấn đề phân công lao động và phối hợp là hai nguyên tắc biện chứng luôn tồn tại trong bất cứ thành phần, bộ phận nào trong tổ chức. Các nhà khoa học cũng cần thực hiện những nguyên tắc này trong sự tồn tại và phát triển cùng nhà trường. Việc phối hợp-hợp tác giữa các nhà khoa học với nhau đó cũng là một khía cạnh quan trọng trong việc cùng hướng đến giải quyết, thực hiện mục tiêu chung của Nhà trường.
Một trong những yếu tố tạo nên động cơ của hành động hợp tác chính là tính đơn lẻ trong hoạt động nghiên cứu. Trong xu thế khoa học có sự phân ngành, liên ngành cao, việc tiến hành nghiên cứu các vấn đề cơ bản, những vấn đề cụ thể của chuyên ngành khoa học đòi hỏi các nhà khoa học luôn đi tìm cái mới, các vấn đề chưa được giải quyết. Giải quyết những vấn đề như vậy cần có cách nhìn và cách tiếp cận của nhiều ngành nghiên cứu khác nhau (các cá nhân ở những lĩnh vực khác nhau) đồng thời cũng cần có những sự bổ trợ tri thức cần thiết từ những nhà khoa học khác trong chính chuyên ngành nghiên cứu. Hợp tác sẽ xuất hiện khi nhà khoa học cảm nhận được sự đơn độc về hành động, về tư duy trong quá trình nghiên cứu, cũng như có nhu cầu cần chia sẻ, tuyên bố những tư tưởng của bản thân về vấn đề nghiên cứu cụ thể.
Qua phần đánh giá này, bài viết phần nào khẳng định được hợp tác được thúc đẩy qua một số khía cạnh được tóm lược như sau:
+ Có sự thúc đẩy về mặt chi phí phương tiện và những yêu cầu cho lĩnh vực nghiên cứu. Các mô hình giao tiếp và giao thông ngày càng rẻ, càng nhanh cùng với sự phát triển mạnh của thư điện tử, fax.
+ Khoa học được xem như là một thiết chế xã hội, nó cần phát triển mạnh những tương tác giữa các thành viên trong đó. Tăng cường khả năng chuyên môn hoá, cũng như những nghiên cứu liên ngành;
+ Những biến đổi xã hội khác nhau cũng có nhiều ảnh hưởng đáng kể đến việc thúc đẩy hợp tác nghiên cứu.
Qua phần phân tích động cơ, các yếu tố tác động của hoạt động hợp tác nghiên cứu, chúng ta nhận thấy: các nhà khoa học đã coi hợp tác nghiên cứu là một vấn đề cần thiết, thiết yếu của các nhà khoa học trong tình hình hiện nay. Liên kết đào tạo của Nhà trường không chỉ được mở rộng về mọi mặt đối với các trường, viện nghiên cứu trong nước mà còn đối với nhiều đơn vị đào tạo ở nước ngoài. Yếu tố này cũng một phần tiếp tục thúc đẩy các nhà khoa học hướng lại với nhau, tiến đến giải quyết các vấn đề nghiên cứu cụ thể của đời sống xã hội.
Xuất phát từ động cơ hướng đích của các nhà khoa học khi tham gia thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học, đến việc tạo dựng mục tiêu nhằm đạt được những vấn đề gì qua quá trình nghiên cứu. Đồng thời qua việc nhìn nhận được những bối cảnh tạo ra cá khả năng hiện hữu mô hình hợp tác, quá trình hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học ở cộng đồng khoa học trường Đại học KHXH&NV cũng đã được hiện ra. Những kết quả đạt được từ phần nghiên cứu này cho chúng ta nhận thấy rõ trong xu thế có nhiều biến đổi xã hội, khoa học xã hội nhân văn cũng có nhiều cách thức điều chỉnh để qua nghiên cứu đề ra những giải pháp hữu ích. Qua đó, đòi hỏi các nhà khoa học cần tạo ra nhiều phương thức, mô hình triển khai hướng nghiên cứu nhằm giải quyết nhiều vấn đề phức tạp cần những hướng tiếp cận liên ngành. Việc hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các nhà khoa học-nhà sư phạm trong cộng đồng khoa học xã hội và nhân văn không hẳn chỉ diễn ra giữa các nhà khoa học ở các chuyên ngành khác nhau mà còn thấy biểu hiện rõ trong mô hình hợp tác nguồn nhân lực trong chính chuyên ngành nghiên cứu mà các nhà khoa học đang theo đuổi.
Hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học như là việc nhiều cá nhân làm việc với nhau, trao đổi các nội dung có liên quan đến công việc đang thực hiện theo một cách thức đã được xác định trong một quá trình hướng đến tạo được kết quả nghiên cứu hoặc theo nhiều cách thức khác nhau, nhiều công đoạn khác nhau nhưng đều hướng đến sản phẩm của quá trình nghiên cứu khoa học. Hợp tác nghiên cứu trong cộng đồng khoa học trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn còn yếu, chưa được thể hiện rõ nét. Diễn trình này vẫn tuân theo xu hướng càng nghiên cứu cơ bản bao nhiêu, khả năng hợp tác vẫn còn yếu bấy nhiêu. Yếu tố thúc đẩy các nhà khoa học hướng đến hợp tác với nhau xuất phát từ chính vấn đề nghiên cứu ngày càng phức tạp, đòi hỏi các nhà khoa học phải gắn kết lại với nhau. Đồng thời việc chia sẻ tri thức mới, hướng đến mô hình làm việc theo nhóm cũng là những yếu tố thúc đẩy các nhà khoa học hợp tác với nhau. Một trong những vấn đề đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học với nhau chính là có xu hướng nghiên cứu liên ngành đang diễn ra mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực nghiên cứu. Thông qua nghiên cứu liên ngành những vấn đề nghiên cứu sẽ được lý giải qua nhiều cách tiếp cận khác nhau, hiểu được vấn đề toàn diện hơn.
Từ những vấn đề nghiên cứu như vậy, từ phía nhà quản lý nghiên cứu khoa học cần tiếp tục đẩy mạnh việc định hướng nghiên cứu khoa học trong từng giai đoạn (Những định hướng nghiên cứu khoa học cơ bản của trường ĐH KHXH&NV đến năm 2010 là một ví dụ điển hình). Những định hướng đó cần gắn với những nhu cầu của thực tiễn xã hội, thực tiễn của chính cộng đồng nghiên cứu. Đồng thời cũng tăng cường những hình thức hỗ trợ kinh phí (không chỉ nguồn kinh phí cho việc thực hiện đề tài nghiên cứu mà cần thành lập hoặc xây dựng quỹ hỗ trợ nghiên cứu (có thể là Quỹ nghiên cứu cơ bản). Nguồn kinh phí Quỹ hỗ trợ nghiên cứu có thể được các nhà khoa học đầu ngành đóng góp hoặc được trích một tỷ lệ % nhỏ từ các công trình nghiên cứu). Thứ nữa, việc sử dụng trang web của Nhà trường làm phương tiện truyền tải những kết quả nghiên cứu là một trong những hướng ưu tiên nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học và hướng hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học. Cần tổ chức các Hội nghị nghiên cứu khoa học chuyên đề cho lực lượng cán bộ trẻ nhằm công bố những hướng nghiên cứu, những kết quả nghiên cứu. Qua đó, nhà quản lý nghiên cứu khoa học, những nhà khoa học đầu ngành có thể đầu tư, gợi mở thêm những cơ chế hỗ trợ nghiên cứu, cách thức thực hiện. Có thể tổ chức Hội nghị nghiên cứu khoa học với các công trình nghiên cứu do một nhà khoa học có kinh nghiệm với cán bộ trẻ thực hiện. Đây là một hình thức đầu tư đào tạo nguồn nhân lực đầu ngành hiện nay.
Việc tạo các môi trường để tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ công tác đào tạo, giảng dạy là việc làm tối ưu trong việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học. Thông qua những môi trường đó, nhà quản lý nghiên cứu khoa học cần tiếp tục đẩy mạnh xu hướng làm việc theo nhóm giữa các nhà khoa học, tăng cường các hoạt động trao truyền kỹ năng nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu… đó sẽ là những hướng đi tăng cường xu hướng hợp tác giữa các nhà khoa học trong tình hình hiện nay./.
[1] Ban Khoa giáo Trung ương, Các văn bản của Đảng và Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ 1981-2001, NXB Chính trị quốc gia, 2002, tr.327
[2] Sylvan Kattz và Ben Martin, What is Research Collaboration?, Research Policy, số 26, tr.1-18, 1997
[3] Số liệu luận văn cao học chuyên ngành xã hội học của Trần Văn Kham “Hợp tác nghiên cứu trong cộng đồng khoa học hiện nay (qua nghiên cứu tại Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội), 2004.
0 Comments