Phát triển an sinh xã hội từ vai trò của công tác xã hội

Cuối tháng 10/2011, tại Indonesia đã diễn ra Hội nghị quốc tế về các vấn đề an sinh xã hội ở khu vực ASEAN với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, nhà hoạt động về công tác xã hội, an sinh xã hội, chính sách xã hội của 23 quốc gia. Đây là những nỗ lực thúc đẩy vai trò và hoạt động của công tác xã hội của Mạng lưới hợp tác công tác xã hội của Indonesia (một số các quốc gia ở khu vực đã xây dựng và phát triển mạng lưới này từ sau cuộc họp tại Manila-Philipines về Mạng lưới hợp tác công tác xã hội của ASEAN đầu tháng 3/2011, ở vấn đề này Việt Nam ta chưa thấy hoặc chưa tiết lộ thông tin về phát triển mô hình này). Các chủ đề của Hội nghị được trình bày ở 7 lĩnh vực chính: Vấn đề đào tạo và phát triển tính chuyên nghiệp công tác xã hội; Vấn đề người già; Quản lý thảm họa và tái thiết xã hội; Lao động di cư; Khuyết tật; An sinh trẻ em; và Trách nhiệm xã hội. Định hướng xuyên suốt cho các vấn đề của Hội nghị là xác định và thúc đẩy vai trò của công tác xã hội trong việc phát triển an sinh xã hội.


Từ các nội dung được chia sẻ tại Hội nghị, vai trò của công tác xã hội đã được các đại biểu đánh giá cao trong một định hướng phát triển bền vững và mang tính hội nhập cao cho các thành viên dễ bị tổn thương trong xã hội. Đào tạo và phát triển công tác xã hội theo hướng chuyên nghiệp; làm sao áp dụng các mô hình công tác xã hội phương tây và đẩy mạnh các mô hình công tác xã hội bản địa/người thiểu số đã được nhiều học giả thảo luận và đưa vào những đề xuất mang tính chiến lược cho công tác xã hội. Từ vấn đề này, định hướng phát triển “hài hòa” và “dung hợp” đã được chia sẻ: Lấy nền tảng tri thức phương Tây áp dụng trong bối cảnh “văn hóa”, “tôn giáo”, “thể chế chính trị”… ở phương Đông.


Cùng với nội dung mà các đại biểu chia sẻ, khi được nói chuyện với các GS từ các trường đại học của Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, thì việc phát triển tính chuyên nghiệp công tác xã hội đang được các quốc gia quan tâm nhiều đến khía cạnh “cấu trúc”, có nghĩa là phát triển Mạng lưới hiệp hội các trường đào tạo công tác xã hội, Mạng lưới các nhân viên xã hội, hệ thống chuẩn mực đạo đức thực hành công tác xã hội, Hệ thống đánh giá tay nghề nhân viên xã hội, Hệ thống mạng lưới thực hành dựa trên các dịch vụ xã hội… Còn nhiều vấn đề khác, nhưng dĩ nhiên họ ít đề cập đến vấn đề giáo trình, tài liệu (vì sinh viên của họ có khả năng đọc tài liệu tiếng anh).


Chia sẻ về vấn đề phát triển công tác xã hội ở Việt Nam (về số lượng các cơ sở đào tạo, thực hành, về vấn đề học liệu, về vấn đề nghề nghiệp, về tính chuyên nghiệp…), các học giả khác có cái nhìn rất “tích cực” về triển vọng công tác xã hội ở Việt Nam nhưng vẫn có những câu hỏi và có sự “biểu hiện thái độ ngạc nhiên” là tại sao các tổ chức mang tính chuyên nghiệp như Hội các trường đào tạo công tác xã hội, hội nhân viên xã hội, các quy điều chuẩn mực đạo đức và thực hành… chưa được quan tâm và đẩy mạnh ở Việt Nam. Rồi câu hỏi “Công tác xã hội Việt Nam sẽ là gì sau khi tiêu hết số tiền của đề án 32?” tự nhiên lại hiện ra./.

Post a Comment

0 Comments