Bộ môn xã hội học nghiên cứu những mặt xã hội của hoạt động lao động và các quy luật vận hành của các tập thể lao động. XHHLĐ nảy sinh do nhu cầu của sản xuất công nghiệp trong thập kỉ 20 thế kỉ 20. Cả tổ chức sản xuất, cả thành phần xã hội đều phức tạp thêm, đòi hỏi những phương pháp hữu hiệu hơn để quản lí chẳng những quá trình kĩ thuật, mà cả quá trình hành động của con người. Phải nâng cao năng suất lao động, tạo ra mô hình "cân bằng" giữa các tập đoàn lao động khác nhau trong xí nghiệp - XHHLĐ phát sinh ở Hoa Kì, phát triển rộng ở Pháp, ở Anh, ở Italia, vv. Đặc điểm của XHHLĐ trong các nước tư bản là quy các vấn đề xã hội thành vấn đề tâm lí hay xã hội - tâm lí, nhấn mạnh sự phân tích các quan hệ phụ thuộc giữa cá nhân và cá nhân; những kết luận của XHHLĐ được dùng trong việc lãnh đạo các xí nghiệp công nghiệp.
Theo quan điểm macxit, XHHLĐ có nhiệm vụ phân tích những tính quy luật khách quan (vd. phân công lao động) cùng với sự phân tích những tương tác khác nhau về tâm lí, về đạo đức giữa những con người. Những vấn đề chủ yếu là: nghiên cứu lao động về mặt công nghệ, năng suất lao động, chất lượng lao động, cường độ lao động, trình độ nghiệp vụ, sự chọn nghề, sự thích nghi với tập thể lao động, chuẩn về đạo đức lao động, hình thức và con đường phát triển nghề nghiệp và phát triển con người, vv. Trong điều kiện xã hội chủ nghĩa, nghiên cứu XHHLĐ nhằm rút ra những khuyến nghị làm hoàn thiện, cải tiến các quan hệ đang có.
0 Comments