Viết điểm luận sách (book review): Một số điểm mấu chốt

[Tổng hợp các quan điểm của (Center for Innovative Teaching and Learning 2004; Hartly 2008; Glen 2009; Hooper 2010; Queen's University Library 2011), bài viết còn mang tính chất sơ thảo, mong nhận được góp ý của các đồng nghiệp]
Điểm luận sách đóng vai trò quan trọng trong hoạt động nghiên cứu và phổ biến hoạt động nghiên cứu (Hartly 2008; Hooper 2010). Hầu hết các tạp chí chuyên ngành trên thế giới đều dành số lượng trang nhất định cho việc điểm luận sách, thậm chí có tạp chí có những số chỉ dành riêng cho việc điểm sách.
Viết điểm luận sách được xem như là một hình thức tranh luận về một ấn phẩm/công trình nghiên cứu được được phát hành, nhằm tìm ra những điểm mới, hay, điểm hạn chế của công trình nghiên cứu đó. Điểm luận sách còn là hình thức giới thiệu ấn phẩm đó cho những đọc giả thuộc lĩnh vực liên quan. Việc điểm luận sách được xem như là những công việc thường xuyên trong sinh hoạt khoa học của các nhà nghiên cứu, nó phục vụ cho việc xuất bản các ấn phẩm định kỳ, phục vụ công việc giảng dạy, học tập bậc đại học, sau đại học hay nghiên cứu khoa học.

Điểm luận sách có thể là việc mô tả, phân tích hay đánh giá về chất lượng, ý nghĩa, giá trị của một cuốn sách nhưng không phải việc kể lại nội dung của cuốn sách đó (Center for Innovative Teaching and Learning 2004; Glen 2009). Hai câu hỏi được đề cập khi bắt đầu điểm luận một cuốn sách nào đó chính là: Cuốn sách đó viết về vấn đề gì? Và nó có ý nghĩa như thế nào? (Hooper 2010, p.23). Một điểm luận tốt phải đi vào trả lời được hai câu hỏi đó.
Bài viết này tóm lược một số quan điểm của các nhà nghiên cứu, các nhà thư viện trong việc đưa ra những hướng dẫn, bước đi cụ thể cho việc điểm luận đáp ứng những yêu cầu cho việc xuất bản và phục vụ đọc giả. Các bước của việc viết điểm sách theo các quan điểm của Glen, của thư viện một số trường đại học trên thế giới (Center for Innovative Teaching and Learning 2004; Glen 2009; Queen's University Library 2011):
1. Xem qua những nét chính của cuốn sách
Trước khi đi vào đọc chi tiết các chương/phần của cuốn sách, người đọc cần xem tiêu đề (để biết cuốn sách nói về vấn đề gì), lời nói đầu (để có được một cái nhìn tổng quát về các thông tin quan trọng liên quan đến mục đích cuốn sách), mục lục (để biết được cấu trúc của cuốn sách qua đó giúp người điểm luận quyết định đi vào xem xét những quan điểm chính gì trong cuốn sách, và cách thức sẽ trình bày các quan điểm đó ra sao: theo trật tự hay theo chủ đề)
2. Đọc
Đây là công việc rất quan trọng của người điểm luận sách. Trong nhiệm vụ này, người điểm luận cần lưu lại những cảm xúc, cảm nhận của mình về các quan điểm được trình bày trong sách. Việc ghi chép lại những đoạn văn bản hay, cần thiết cần được thực hiện.
Một số lưu ý khi đọc:
Lĩnh vực mà cuốn sách đề cập, cuốn sách này phù hợp với các chuyên ngành khoa học nào. Ở vấn đề này, người điểm luận cũng có thể quy chiếu với các nguồn tài liệu bên ngoài đã đọc được nếu thấy cần thiết.
Đâu là quan điểm chính của tác giả
Văn phong của tác giả, cuốn sách có phù hợp với đọc giả nào,
Các thuật ngữ, bảng biểu (nếu có) được trình bày có rõ ràng không, quan điểm chính của tác giả được phát triển ra sao, lĩnh vực nào mà cuốn sách đề cập đến và chưa đề cập đến (đây là nội dung đánh giá được sự tác động mà cuốn sách đem lại)
Mức độ chính xác của các thông tin, số liệu được trình bày trong cuốn sách, nếu có điều kiện so sánh với các nguồn thông tin khác
Kiểm tra độ chính xác của cách chỉ mục, phụ lục, tài liệu tham khảo ở phần  cuối của sách
Điểm lưu ý cuối cùng, cuốn sách đã thực hiện được những mục tiêu gì, có những công việc gì cần thực hiện tiếp, so sánh cuốn sách này với các ấn phẩm khác của chính tác giả hoặc các tác giả khác (nếu có danh mục sách quy chiếu cần đưa vào danh mục tài liệu tham khảo.
Tìm kiếm các công trình nghiên cứu khác của chính tác giả
Cố gắng tìm kiếm thêm các thông tin về tác giả, về kết quả chuyên môn, nghiên cứu… tất cả những thông tin gì có thể liên quan đến cuốn sách, điều đó giúp người điểm luận đưa ra được cách nhìn cụ thể về tác giả. Trong công việc này, các giáo sư hoặc nhân viên thư viện sẽ giúp người điểm luận thêm các nguồn tài liệu hữu ích về tác giả đó.
3. Phác họa nội dung trình bày
Xem lại phần ghi chú của mình khi đọc cuốn sách đó, cố gắng tổng hợp và thống nhất lại cảm xúc của mình thành những nội dung cần được diễn đạt để nói rõ được mục đích và luận điểm cho việc điểm luận. Phác họa các luận cứ để bổ trợ và phát triển các luận điểm của mình.
4. Bắt đầu viết
Xem lại nội dung mình đã ghi chú lại, sau đó đưa ra khung (outline) nội dung cần trình bày và quy chiếu với nội dung ghi chú của mình nếu cần thiết. Nội dung viết bao gồm các vấn đề sau:
Những thông tin cơ bản: tiêu đề cuốn sách, tác giả, nơi xuất bản, nhà xuất bản, số trang, những thông tin đặc biệt khác (như bản đồ,  đĩa CD đi kèm,..). giá tiền và số ISBN.
Ví dụ, Steven Shardlow, The values of change in social work, London: Tavistoc/Routledge, 2005, 231pp, 45$, 0-415-01837-4.
Giới thiệu: Hãy bắt đầu bằng cách diễn đạt nhằm thu hút sự chú ý của người đọc. Phần giới thiệu đưa ra những nội dung cốt lõi nhất về luận điểm của mình và đưa ra những điểm chung của việc điểm luận.
Phát triển luận điểm: Qua việc đưa ra những luận cứ mà người điểm luận đưa ra được ở phần đề cương. Sử dụng các hình thức mô tả, đánh giá, và nếu có thể thì lý giải tại sao tác giả lại trình bày vấn đề như vậy. Có thể sử dụng trích dẫn để đưa ra những vấn đề quan trọng.
Kết luận: Nếu luận điểm được trình bày có cấu trúc, phần kết luận sẽ được viết tiếp theo một cách tự nhiên. Phần này có thể thêm việc đánh giá hoặc cũng là cách nói lại một cách đơn giản luận điểm của mình. Không nên đưa ra những tài liệu, nguồn tài liệu khác ở phần này.
5. Chỉnh sửa
Cần có khoảng thời gian để xem lại phần đã trình bày,
Đọc cẩn thận từng câu, chữ, chú ý đến sự gắn kết các quan điểm
Chỉnh sửa câu cú, ngữ pháp
Xem xét nội dung trích dẫn, chú lục, phụ lục tham khảo
6. Một số lưu ý khác khi viết điểm sách cho các tạp chí:
Chọn sách để thực hiện điểm luận là điều rất quan trọng, chú ý những điểm luận đã có về cuốn sách đó.
Về độ dài, thông thường một điểm luận có khoảng từ 800 đến 1200 từ
Thông tin về người điểm luận, nơi công tác, học hàm học vị, địa chỉ email liên lạc cũng cần được đưa vào ở phần cuối của điểm sách.
Với một số tạp chí có hướng dẫn riêng cho việc điểm luận, cần đọc hướng dẫn một cách thận trọng và tuân thủ các yêu cầu và quy định.
Thay cho lời kết luận, bài viết này trích dẫn lại danh mục cần kiểm tra trước khi gửi một bản điểm luận cho giảng viên hay cho ban biên tập các tạp chí:
            + Có một phần đầu cho biết cuốn sách đề cập đến nội dung gì, bối cảnh của nó
            + Thông tin về đọc giả hướng đích
            + Bình luận về nội dung của cuốn sách
            + Có phần tài liệu tham khảo bổ trợ cho việc bình luận
            + Đưa ra được điểm mạnh, yếu của cuốn sách
            + Ghi chú về hình thức trình bày, số trang, giá tiền
            + Ghi chú về việc sử dụng các bảng biểu, hình ảnh (nếu có)
(Hartly 2008, pp.120-121)
Tài liệu tham khảo
Center for Innovative Teaching and Learning 2004, Writing book reviews, viewed 28 March 2011, <http://www.indiana.edu/~wts/pamphlets/book_reviews.shtml>.
Glen, V 2009, How to write a book review, viewed 12 December 2010, <http://www.lavc.edu/library/bookreview.htm>.
Hartly, J 2008, Academic writing and publishing: a practical guide, Routledge, New York.
Hooper, B 2010, Writing reviews for readers' advisory, American Library Association, Chicago.
Queen's University Library 2011, How to Write Book Reviews, viewed 14 May 2011, <http://library.queensu.ca/research/guide/book-reviews>.
(Trần Văn Kham, 24/05/2011)
Bài viết này được đăng trên trankham.researchland.net

Post a Comment

0 Comments