Đây là bài viết được đăng trong kỷ yếu Toạ đàm khoa học "Vai trò của công tác xã hội và xã hội với phát triển xã hội" trong khuôn khổ chào mừng ngày CTXH năm 2013 tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội, 12/11/2013.
Giới thiệu
Hội nghị quốc tế về Công tác xã hội và Phát triển xã hội do Hiệp hội nhân viên công tác xã hội thế giới (IFSW) và Hiệp hội quốc tế các trường đào tạo công tác xã hội (IASSW) được tổ chức thường kỳ 2 năm/lần. Hội nghị gần nhất được tổ chức tại Stockholm, Thuỵ Điển vào tháng 7/2013 với sự tham gia của gần 3000 người làm việc, giảng dạy, nghiên cứu về công tác xã hội. Trước đó, từ tháng 4/2013, sau Lễ kỷ niệm ngày công tác xã hội thế giới (theo thông lệ, tổ chức vào Thứ Ba, tuần thứ Ba, Tháng Ba hàng năm), hàng loạt các hoạt động mang tính khoa học ở các cấp độ quốc gia và quốc tế được tổ chức để bàn về Quan niệm mới về công tác xã hội-Quan niệm có tính chất toàn cầu, phổ biến và chung cho mọi quốc gia, tổ chức liên quan. Hiện nay, việc tranh luận, góp ý về cái gọi là Quan niệm quốc tế về công tác xã hội vẫn đang được diễn ra, và IFSW thường xuyên cập nhật những đóng góp mang tính chuyên môn về cách nhìn mới này. Và dự kiến quan niệm này sẽ được đệ trình để thông qua tại Hội nghị quốc tế về Công tác xã hội và Phát triển xã hội năm 2014, sẽ được tổ chức tại Melbourne, Úc (từ ngày 5-7/2014).
Trong bài viết này, tôi muốn chia sẽ diễn tiến phát triển quan niệm Công tác xã hội và những nội hàm chính về Quan niệm toàn cầu này và những vấn đề đặt ra cho sự chuyển đổi vị trí, vai trò của công tác xã hội đối với sự phát triển xã hội. Đồng thời, qua cách đề cập như vậy, bài viết cũng đề cập yêu cầu liên quan đến tổ chức đào tạo, thực hành về công tác xã hội ở Việt Nam hiện nay, cũng như gợi mở một số vấn đề liên quan đến các lĩnh vực cần quan tâm của công tác xã hội trong những năm đầu thế kỷ 21.
Lược sử quan niệm chung của IFSW về công tác xã hội
Quan niệm đầu tiên được tuyên bố về công tác xã hội có tính chuyên nghiệp được IFSW đưa ra vào năm 1982:
“Công tác xã hội là một hoạt động chuyên nghiệp với mục đích tạo sự biến đổi xã hội cho toàn bộ xã hội nói chung và cho từng cá nhân cho quá trình phát triển” (IFSW 1982).
Năm 1996, IFSW có xây dựng một bộ phận thường trực, làm việc cùng IASSW để phác hoạ quan niệm về Công tác xã hội hướng đến khả năng áp dụng toàn cầu. Và quan niệm được đưa ra năm 2000 được xem là kết quả của nhiều hoạt động tư vấn, tham vấn của các nhà chuyên môn, các nhà thực hành, các tổ chức công tác xã hội quốc gia và quốc tế. Quan niệm lần đầu tiên mang tính tính toàn cầu được thông qua 27/6/2001:
“ Nghề công tác xã hội thúc đẩy thay đổi xã hội, giải quyết những vấn đề trong mối quan hệ xã hội, và những vấn đề trao quyền và giải phóng con người để nâng cao phúc lợi xã hội. Công tác xã hội sử dụng các lý thuyết về hành vi con người và hệ thống xã hội, để qua đó can thiệp vào các nội dung tương tác giữa cá nhân và môi trường. Nguyên tắc nhân quyền và công bằng xã hội là nền tảng cho công tác xã hội”
Sự điều chỉnh quan niệm năm 2001 này đã có nhiều tác động đến việc xây dựng mô hình giảng dạy, nghiên cứu và thực hành về công tác xã hội ở nhiều quốc gia phát triển và đang phát triển: xu thế chuyển đổi các mô hình thực hành tại Anh, Úc, Mỹ, Thuỵ Điển (hệ thống ấn phẩm: transforming social work practice của NXB Learning Matters, Anh Quốc) và xu thế áp dụng, mở rộng các cơ sở đào tạo và thực hành ở các quốc gia đang phát triển.
Dự thảo Quan niệm toàn cầu về nghề công tác xã hội, 2013
Trước nhưng yêu cầu phát triển nghề công tác xã hội, cần theo hướng chuyên nghiệp hoá, nhưng không quá cứng nhắc về phạm vi và khả năng áp dụng ở các điều kiện cụ thể (tiếp cận từ quan điểm kiến tạo luận xã hội), những năm đầu 2010s, IFSW và các tổ chức thành viên đề xuất việc điều chỉnh quan niệm nghề công tác xã hội phù hợp với những yêu cầu phát triển của đời sống xã hội. Ngay từ khi đưa ra dự thảo, quan niệm mới này nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa vai trò của nhân viên xã hội với mục tiêu của các cá nhân khi sử dụng các dịch vụ xã hội nhằm tạo được sự biến đổi về điều kiện sống hướng đến phúc lợi bản thân và xã hội. Quan niệm này cũng nhấn mạnh đến hoạt động công tác xã hội dựa trên các lý thuyết của ngành và hệ thống tri thức bản địa cũng như hệ thống lý luận của khoa học xã hội. Quan niệm này cũng đề cập đến các vấn đề liên quan đến quyền và trách nhiệm tập thể:
Quan niệm toàn cầu về tính chuyên môn công tác xã hội được thể hiện ở khía cạnh là những quan niệm mang tính quốc gia và khu vực được xem là cụ thể hơn trong việc đánh giá các bối cảnh mang tính quốc gia và khu vực. Công tác xã hội thúc đẩy sự phát triển xã hội và sự cố kết xã hội. Giá trị cốt lõi của công tác xã hội là nhằm trợ giúp các cá nhân tạo được sự biến đổi về điều kiện sống nhằm đạt được sự phát triển bền vững. Công tác xã hội là hoạt động chuyên môn được vận hành dựa trên các lý thuyết chung của khoa học xã hội, công tác xã hội và hệ thống tri thức bản địa. Các nguyên tắc cơ bản của công tác xã hội đó là vấn đề nhân quyền, trách nhiệm tập thể và công bằng xã hội, đó chính là những vấn đề cơ bản cho hoạt động thực hành công tác xã hội.”
(IFSW, 2013)
Quan niệm này có nhiều sự thay đổi so với những quan niệm trước đây ở các khía cạnh sau:vai trò của công tác xã hội đối với phát triển xã hội, ý nghĩa của tri thức bản địa trong xây dựng hệ thống tri thức, kỹ năng và hướng thực hành công tác xã hội, công tác xã hội hướng đến đề cao công bằng xã hội và trách nhiệm xã hội.
Đồng thời, các khái niệm này khẳng định các dạng thức khác nhau của công tác xã hội nhưng đều hướng đến giải quyết những vấn đề đa dạng và phức hợp của cá nhân và môi trường. Sứ mạng của công tác xã hội luôn được khẳng định là giúp các cá nhân phát triển khả năng của bản thân, nâng cao chất lượng sống và phòng ngừa các vấn đề rối loạn chức năng. Đồng thời, tính chuyên nghiệp của công tác xã hội được thể hiện qua việc giải quyết vấn đề xã hội và tạo sự biến đổi xã hội. Các khái niệm này đều đề cập vai trò của nhân viên xã hội như tác nhân của sự biến đổi xã hội, tác nhân về cuộc sống của các cá nhân, gia đình và cộng đồng; công tác xã hội là hệ thống tích hợp các vấn đề giá trị, lý thuyết và hoạt động thực hành.
Thay đổi quan niệm về công tác xã hội: Những thay đổi gì tiếp theo?
Với vị trí là một hệ thống tích hợp các vấn đề giá trị, lý thuyết và hoạt động thực hành, ngay từ khi quan niệm mang tính toàn cầu về công tác xã hội (2001) được đưa ra, công tác xã hội trên thế giới bắt đầu có nhiều biến đổi. Và với dự thảo mới về Quan niệm toàn cầu này, những khía cạnh sau được xem là đang có những biến đổi nhanh chóng:
Về mô hình công tác xã hội: Trong sự phát triển nghề, đặc biệt là trong sự phát triển đầu thế kỷ 21, nghề công tác xã hội cũng đang gặp những thách thức liên quan đến toàn cầu hoá, quốc tế hoá và phổ biến hoá (Gray, 2005; Midgley, 2001). Sự thách thức này cũng kéo theo các mô hình phát triển mới của công tác xã hội: Công tác xã hội quốc tế, là mô hình có mục đích cơ bản là chuyển đổi các phương pháp, tri thức công tác xã hội giữa các quốc gia (Barker, 2003), lan toả tri thức, kiến thức công tác xã hội như một nghề chuyên môn; thúc đẩy quá trình trao đổi học giả, chuyên gia thực hành về công tác xã hội giữa các quốc gia, khu vực. Thúc đẩy tính quốc tế của công tác xã hội được nhiều tổ chức phi chính phủ, từ thiện quốc tế thực hiện, mô hình phát triển này thể hiện rất rõ ở các quốc gia đang phát triển. Trước những thách thức của quá trình phát triển công tác xã hội quốc tế ở các quốc gia đang phát triển với sự ảnh hưởng quá mức của công tác xã hội phương Tây (từ những ảnh hưởng về quan niệm, mô hình lý luận, mô hình thực hành, đến hệ thống học liệu…), quan niệm mới lần này về công tác xã hội nhấn mạnh đến việc xây dựng tri thức bản địa được xem là định hướng làm hài hoà và hướng đến kiến tạo xã hội các hoạt động xây dựng lý thuyết và thực hành công tác xã hội dựa trên kiến thức bản địa, địa vực, văn hoá khu vực nhiều hơn. Hiện nay, một số quốc gia khu vực Châu Á đã áp dụng các nội dung công tác xã hội quốc tế, cũng như công tác xã hội bản địa vào trong giảng dạy và thực hành (Malaysia, Indonesia,..)
Về nhìn nhận lại nguyên tắc của công tác xã hội: Các nguyên tắc bao trùm của công tác xã hội là tôn trọng giá trị vốn có và phẩm giá con người, không làm hại, tôn trọng sự đa dạng và tôn trọng nhân quyền và công bằng xã hội. Ủng hộ và tôn trọng nhân quyền và công bằng xã hội là động lực và hoạt động điều chỉnh của công tác xã hội. Công tác xã hội thừa nhận quyền con người tồn tại cùng trách nhiệm tập thể. Quyền cá nhân chỉ được thực hiện trên cơ sở trách nhiệm được tạo ra với cá nhân khác, tạo ra được các mối quan hệ đối ứng trong cộng đồng. Do đó, trọng tâm của công tác xã hội hướng đến biện hộ quyền lợi cá nhân, tạo điều kiện cho cá cá nhân thực hiện được quyền và trách nhiệm, thừa nhận, tôn trọng nhau giữa các cá nhân và giữa cá nhân và môi trường. Công tác xã hội thể hiện thể hiện các quyền xã hội ở các cấp độ khác nhau: Xuất phát từ quyền dân sự, và chính trị; quyền kinh tế, xã hội và văn hoá; quyền về công bằng giữa các thế hệ, về đa dạng sinh học. Các quyền này phụ thuộc lẫn nhau, được nhìn nhận có mối quan hệ tương tác qua lại. Những khía cạnh này đã được khẳng định và tuyên bố lại trong cách nhìn mới mang tính toàn cầu về công tác xã hội.
Về nền tảng tri thức của công tác xã hội: Với quan niệm mới về công tác xã hội này, một lần nữa khẳng định tính liên ngành và xuyên ngành của ngành-nghề khoa học này. Công tác xã hội phát triển dựa trên hệ thống lý thuyết, nền tảng tri thức của các ngành khoa học khác cũng như dựa trên khả năng tự hình thành các nguyên tắc, hệ thống lý luận riêng. Các lý thuyết và hệ thống lý luận được áp dụng trong công tác xã hội như nền tảng tri thưc, xuất phát từ các lĩnh vực như phát triển cộng đồng, sư phạm xã hội, quản trị, nhân học, sinh thái học, kinh tế học, giáo dục học, điều dưỡng, tâm thần học, tâm lý học, y tế công cộng, xã hội học… Hệ thống các tri thức này đã thể hiện được khả năng áp dụng và phát triển trong công tác xã hội. Và quan điểm chiết trung trong việc sử dụng tích hợp các lý thuyết trong công tác xã hội vẫn được nhìn nhận là có tính khả dụng trong đào tạo, nghiên cứu và thực hành.
Về lĩnh vực tác động: Với những thay đổi về phạm vi, khả năng ứng dụng công tác xã hội trong việc tham gia giải quyết các vấn đề xã hội và tham gia vào quá trình phát triển xã hội, lĩnh vực tác động của công tác xã hội đã mở rộng. Nội dung các hướng nghiên cứu, thực hành công tác xã hội không chỉ dừng lại ở các vấn đề về trợ giúp, hỗ trợ các nhóm yếu thế, mà còn hướng đến các vấn đề liên quan đền quyền, nhân quyền, đến các vấn đề của sự phát triển xã hội, cũng như các vấn đề liên quan đến tác động của biến đổi khí hậu, toàn cầu hoá, thế giới ảo… Sự thay đổi và mở rộng phạm vi quan tâm của công tác xã hội khẳng định được vị trí, và khả năng tham gia vào quá trình phát triển xã hội của nghề công tác xã hội trong tình hình hiện nay.
Ngoài các khía cạnh trên, các vấn đề khác liên quan đến hệ thống các chuẩn mực (đào tạo, thực hành, giảng dạy), quy điều đạo đức, hệ thống giá trị, mạng lưới hệ thống dịch vụ, cơ sở công tác xã hội cũng sẽ có nhiều điều chỉnh, tác động. Những điều chỉnh,tác động này vẫn được điều phối bởi các nguyên tắc chung của quan niệm toàn cầu nhưng không quá xa lạ với điều kiện của từng quốc gia, tính văn hoá bản địa, và địa vực.
Một số vấn đề đặt ra cho công tác xã hội Việt Nam nhằm phát huy vai trò của công tác xã hội trong phát triển xã hội
Qua quá trình phát triển nghề công tác xã hội ở Việt Nam, một số vấn đề được nhận diện: Mặc dù là quốc gia đang phát triển mạnh mạng lưới đào tạo công tác xã hội ở các bậc, nhưng chưa tạo được sự phát triển một cách phù hợp về nhận thức chung của xã hội về nghề công tác xã hội, về phát triển các cơ sở hoạt động công tác xã hội, các hoạt động khẳng định công tác xã hội là một nghề nói chung và một nghề chuyên nghiệp nói riêng, chưa hình thành được các tổ chức mang về hiệp hội nhân viên xã hội, hiệp hội các cơ sở đào tạo công tác xã hội… Đồng thời, hiện ở Việt Nam chưa có các giải pháp thực tiễn cho quá trình cấp phép hành nghề, các tiêu chuẩn nghề nghiệp cụ thể. Đó là những thách thức lớn cho quá trình phát triển công tác xã hội ở Việt Nam hiện nay.
Điều quan trọng đối với quá trình phát triển công tác xã hội ở Việt Nam hiện nay đó là cần xác định hướng đi của nghề này đối với sự phát triển: Nếu xét theo định hướng xây dựng công tác xã hội: Nên đẩy mạnh mô hình trực tiếp hay gián tiến. Với kinh nghiệm của nhiều quốc gia trong khu vực, và các quốc gia mới phát triển nghề công tác xã hội, công tác xã hội cần gắn và được đẩy mạnh định hướng phát triển theo hướng gián tiếp: Gắn liền với phát triển cộng đồng, phát triển xã hội hơn là quá chú tâm vào phát triển công tác xã hội cá nhân/trực tiếp. Đồng thời, trước những vấn đề đặt ra từ quan niệm chung của công tác xã hội cần có hệ thống các chuẩn mực liên quan đến nhân viên xã hội, giảng viên công tác xã hội, các chuẩn mực thực hành ở từng lĩnh vực hoạt động cụ thể, về hệ thống các nguyên tắc-quy điều đạo đức thực hành và nghiên cứu… cần có hệ thống thiết chế về hiệp hội các nghề nghiệp công tác xã hội nhằm phát triển các nội dung này (hiệp hội các cơ sở đào tạo, hiệp hội nhân viên xã hội...) cũng như tham gia một cách có hệ thống với các hiệp hội, tổ chức công tác xã hội trong khu vực và trên thế giới./.
Tài liệu tham khảo
Barker, R.L (2003), The social work dictionary (5th ed), Washington, DC: NASW Press.
Gray, M (2005). Dilemmas of International Social Work: Paradoxical processes in ingidenisation, imperialism and universalism. International Journal of Social Welfare, vol.14 , no.2, pp.230-237.
Ha, NTT (2012), Đổi mới công tác xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế: Lý luận và thực tiễn, Hà Nội, NXB Chính trị quốc gia.
IFSW (2013), Draft of Global Definition of Social Work, http://ifsw.org
Lyons K, et al (2012). The Sage Handbook og International Social Work, London, Sage Publications.
0 Comments