Ba lý luận trụ cột của công tác xã hội: Quan điểm của Macolm Payne

Malcome Payne hiện là giáo sư danh dự ở Đại học Manchester Metropolitant, Đại học Kingston và trường Y khoa St Geoge. Trước đây, ông từng giảng dạy và giữ nhiều vị trí quan trọng tại Đại học Manchester Metropolitant. Hiện ông vẫn đảm nhận vị trí giáo sư ở các đại học Helsinki (Phần Lan), Kingston, Opole (Ba Lan) và Đại học Manchester Metropolitant (Anh Quốc). Ông có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý các cơ sở công tác xã hội trong bệnh viện, nhà tế bần, các hoạt động tư vấn chính sách cho chính phủ Anh, kinh nghiệm xây dưng các dịch vụ chính sách xã hội… Ông cũng đảm nhận nhiều chương trình và dự án nghiên cứu lớn về công tác xã hội và chính sách xã hội (một số dự án tiêu biểu như công tác xã hội và bất bình đẳng trong y tế (2005); Phát triển chính sách ở Nga (2002); Thực hành công tác xã hội (2000-2003); chăm sóc cộng đồng và nhà ở cho người khuyết tật tâm thần (1994), Biện hộ cho trẻ em (1993-1994); Giảng dạy thực hành (1988-1989)…) Ông cũng tham gia với tư cách là biên tập viên của nhiều ấn phẩm quan trọng và tạp chí về công tác xã hội (Bộ sách về thực hành công tác xã hội của nhà xuất bản MacMillan; Công tác xã hội ngày nay (social work today), Thực hành công tác xã hội; Công tác xã hội chuyên nghiệp; Tạp chí công tác xã hội châu Âu, Tạp chí Công tác xã hội Ấn Độ; Tạp chí công tác xã hội Úc, Tạp chí xã hội học Anh, Tạp chí an sinh xã hội quốc tế, Đạo đức và phúc lợi xã hội…).


Các lĩnh vực giảng dạy chính của ông là về lý thuyết công tác xã hội, chính sách xã hội, chăm sóc người già, quản lý dịch vụ xã hội, chăm sóc cộng đồng… Với các vị trí quản lý, nghiên cứu và kinh nghiệm về hoạt động công tác xã hội, ông đã xuất bản 14 cuốn sách, đồng xuất bản 14 cuốn sách,  viết 8 công trình báo cáo nghiên cứu cho chính phủ; 195 bài viết trên tạp chí khoa học; 88 nghiên cứu được công bố ở các hình thức bài viết hội thảo, chương sách (thông tin này được cập nhật theo lý lịch khoa học của Malcolm Payne ngày 3/8/2011).


Trong số những ấn phẩm về công tác xã hội của ông, những bài viết liên quan đến lý thuyết công tác xã hội đã góp phần đưa ông trở thành một học giả nổi tiếng về Công tác xã hội và lý thuyết công tác xã hội. Ấn phẩm Lý thuyết Công tác xã hội hiện đại** (Payne 2005b) của ông hiện đã được xuất bản bằng nhiều thứ tiếng khác nhau và trở thành tài liệu học tập và nghiên cứu không thể thiếu cho các chương trình giảng dạy công tác xã hội ở các cấp bậc trên thế giới.


Mặc dù bản chất của công tác xã hội trong thực hành được nhìn nhận là đa dạng dựa trên các điều kiện xã hội cụ thể ở từng bối cảnh, quốc gia khác nhau nhưng Payne cho rằng hoạt động chuyên môn này luôn phù hợp ở các bối cảnh khác nhau nếu dựa trên ba vấn đề cốt lõi, mà ông gọi là ba trụ cột lý luận của công tác xã hội: Phân tích về phản thân-trị liệu (reflexive-therapeutic)-tập trung vào thân chủ; phân tích về quan điểm cá nhân-cách tân (individualist-reformist)-tập trung vào các chuẩn mực xã hội; và phân tích về quan điểm tập thể-xã hội (socialist-collectivist)-đi vào các vấn đề về bất bình đẳng xã hội (Houston & Campbell 2001, tr.68; Adams, Dominelli & Payne 2002). Theo Payne, khi đề cập đến vấn đề lý thuyết về công tác xã hội, bốn câu hỏi luôn được đặt ra: Ai tạo dựng các chương trình nghị sự về lý thuyết công tác xã hội? Đâu là mục đích của công tác xã hội và hoạt động thực hành? Làm thế nào để quyết định chọn lý thuyết nào hữu ích? Và làm thế nào để gắn lý thuyết với thực hành? (Payne 2005a, tr.27).  Hiểu được ba nền tảng này, người học và nhân viên xã hội sẽ từng bước đi vào trả lời các câu hỏi trên và có cách nhìn toàn diện về thực hành công tác xã hội. Đây chính là điểm mấu chốt về lý thuyết công tác xã hội, cũng như đưa lý luận công tác xã hội vào các hoạt động thực hành. Mọi hoạt động công tác xã hội, mọi cơ sở hoạt động về công tác xã hội, mọi dịch vụ xã hội cũng như hệ thống về dịch vụ xã hội đều hàm chứa và vận hành xoay quanh ba vấn đề này.


[accordions]
[accordion title="Quan điểm phản thân-trị liệu"]


Quan điểm này được áp dụng khá phổ biến trong các nghiên cứu và hoạt động thực hành công tác xã hội ở Mỹ (Adams, Dominelli & Payne 2002), nơi công tác xã hội được phát triển mạnh mẽ ở các mô hình công tác xã hội cá nhân (direct practice). Theo quan điểm này, công tác xã hội hướng tới đạt được cuộc sống tốt đẹp nhất cho các cá nhân, các nhóm và các cộng đồng trong xã hội thông qua việc tăng cường và thúc đẩy sự tự phát triển và sự tự đáp ứng nhu cầu của các chủ thể. Nhân viên xã hội cố gắng “điều trị” các vấn đề xã hội mà cá nhân đang đối mặt trong cuộc sống. Cách tiếp cận này cũng được áp dụng để nhìn nhận các vấn đề trong nhóm, cộng đồng.


Vấn đề của chủ thể mà cách tiếp cận này quan tâm thuộc về khía cạnh quan hệ và xúc cảm cũng như các vấn đề cá nhân-xã hội khác được xem là hệ quả của hai vấn đề này. Payne đã đưa ra ví dụ về cá nhân có các vấn đề về tài chính, ở trường hợp đó công tác xã hội thường đi vào xác định các mối quan hệ trong gia đình và những áp lực cá nhân dẫn đến sự rối loạn tổ chức và sự quản lý yếu kém dẫn đến những khó khăn về tài chính hay không thực hiện công việc phù hợp. Điểm mấu chốt ở đây là nếu đi vào giải quyết những vấn đề về xúc cảm hay quan hệ thì vẫn đề khó khăn tài chính sẽ tự tìm được giải pháp để được giải quyết.


Với cách tiếp cận như vậy, đâu là mô hình hoạt động mà nhân viên xã hội sẽ tiến hành can thiệp? Theo Payne ở ví dụ vừa đề cập, điều quan trọng là phải xây dựng được các mối quan hệ với cá nhân có vấn đề cần giải quyết- mà trong công tác xã hội gọi đó là các thân chủ. Do đó, nhân viên xã hội sẽ giúp các thân chủ hướng đến đạt được các kỹ năng, có được sức mạnh về tinh thần và tìm kiếm được các nguồn lực từ gia đình, nhóm và cộng đồng để giải quyết các vấn đề của cá nhân. Nhiệm vụ trọng tâm của nhân viên xã hội chính là hướng đến việc tự nâng cao năng lực của thân chủ và năng lực quản lý thành công các mối quan hệ của bản thân họ. Đây cũng là cách hiểu để lý giải cho quan điểm phản thân của Payne khi nhấn mạnh đến các tương tác cá nhân của thân chủ. Ở đây, nhân viên xã hội sẽ nhìn được hành vi của thân chủ, nghe được tiếng nói của thân chủ. Đó là những điều sẽ tạo ảnh hưởng và tác động đến sự đánh giá của nhân viên xã hội về những gì đã diễn ra trong suy nghĩ và trong sự trải nghiệm của chính thân chủ. Đây cũng là để nhân viên xã hội tạo dựng các mối quan hệ với thân chủ và tạo ra những tác động để giúp thân chủ biểu lộ hành vi của mình. Đây là một tiến trình phản ảnh, ở đó cuộc sống của thân chủ sẽ được thay đổi qua các tương tác của chính họ và nhân viên xã hội. Quan điểm này nhấn mạnh nhiều đến việc hiểu và tạo nên các ảnh hưởng đến hành vi của cá nhân ở góc độ nhận thức và khía cạnh xúc cảm của họ.


Các lĩnh vực mà quan điểm này thường xuyên được áp dụng là các mô hình công tác xã hội trong bệnh viện, các bối cảnh liên quan đến sức khỏe, những cá nhân có các vấn đề về hôn nhân-gia đình, các hoạt động với các đối tượng là giới trẻ có những rối loạn hay xáo động về xúc cảm-hành vi. Đồng thời, mô hình lý luận này cũng thường được áp dụng cho các đối tượng có những vấn đề về tâm thần, hoặc thiếu sự chăm sóc của gia đình.


Cũng từ nội dung của quan điểm này, trong tiến trình phát triển của công tác xã hội hai dòng phê phán thường được đặt ra đó là: (a) có nhiều vấn đề mà các cá nhân đối mặt lại nằm ở trong thực tiễn (bên ngoài cá nhân) và đó là công việc của dịch vụ xã hội hơn là quá quan tâm vào vấn đề mối quan hệ cá nhân, do đó nhân viên xã hội không nên hướng nhiệm vụ chính yếu về dịch vụ xã hội vào các vấn đề liên cá nhân phức tạp; (b) nhiều vấn đề cá nhân và của thực tiễn đời sống mà các thân chủ đối mặt xuất phát từ sự thiếu hụt các hệ thống kinh tế và xã hội (xuất phát từ lý luận Mác xít) do đó nhân viên xã hội nên hướng đến làm thay đổi hệ thống xã hội hơn là đi vào giải quyết các vấn đề cá nhân. Quan điểm lý luận này chưa đủ để giải quyết các vấn đề cá nhân bởi vì vấn đề xã hội chung vẫn chưa được giải quyết.


Chính từ hai quan điểm phê phán này mà Payne có đưa ra hai quan điểm khác: Quan điểm phân tích cá nhân-cải cách và Quan điểm phân tích tập thể-xã hội.[/accordion]


[accordion title="Quan điểm phân tích cá nhân-cải cách"]

Từ những phê phán thứ nhất trong quan điểm phản thân-trị liệu, Payne đề cập đến mô hình phân tích thứ hai về công tác xã hội với tên gọi là Phân tích chủ nghĩa cá nhân-cải cách. Mục đích của công tác xã hội theo mô hình phân tích này là triển khai các dịch vụ xã hội hiệu quả (được xem là một phần của hệ thống phúc lợi xã hội) đến với các cá nhân đồng thời nếu quá trình triển khai này thường xuyên tiếp nhận được những phản hồi về tính chưa hiệu quả thì việc thay đổi, cải thiện nội dung chính sách và tổ chức vận hành sẽ cần được thực hiện (Payne 2005b).


Vấn đề được nhấn mạnh trong quan điểm này là các vấn đề của thực tiễn xã hội thường xoay quanh các khía cạnh về khuyết tật, duy trì sự ổn định gia đình khi có các vấn đề phát sinh cũng như các vấn đề liên quan đến người già. Mô hình hoạt động công tác xã hội được áp dụng từ quan điểm này thường hướng đến việc duy trì thực trạng hiện có của các cá nhân hoặc quay trở lại thực trạng trước đó. Để điều đó được thực hiện, việc cung cấp các dịch vụ trợ giúp và giúp đỡ các cá nhân, cung cấp lời khuyên và đặc biệt là giúp các cá nhân nâng cao được kỹ năng sống của mình sẽ được đưa ra. Lý thuyết cơ bản hay đươc áp dụng với các mô hình hoạt động này là mô hình tập trung vào nhiệm vụ (Reid 1992; Doel & Marsh 2005), lý thuyết này đề cập đến những hình thức cam kết giữa nhân viên xã hội và thân chủ nhằm hướng đến đạt được các mục tiêu cụ thể, từng mục tiêu cụ thể đạt được cũng là cách để đạt được các nhiệm vụ được đặt ra cho chính nhân viên xã hội và thân chủ.


Các lĩnh vực mà quan điểm này tập trung đến là về an sinh xã hội, vấn đề việc làm, vấn đề khủng hoảng tạm thời hay việc lập kế hoạch cho các dịch vụ chăm sóc lâu dài.


Ở bình diện chung nhất quan điểm này nhìn nhận công tác xã hội như là một khía cạnh của an sinh xã hội, dịch vụ xã hội dành cho các cá nhân có trong xã hội. Nó đáp ứng những nhu cầu của cá nhân và cải thiện các dịch vụ, do vậy công tác xã hội và dịch vụ xã hội có thể hoạt động ngày càng  hiệu quả hơn. Để có gắng tạo nên sự biến đổi xã hội, để làm cho xã hội ngày càng bình đẳng hơn hay thiết lập được sự đáp ứng nhu cầu cho cá nhân và xã hội hơn thông qua việc sự trưởng thành của cá nhân và cộng đồng là những ý tưởng phù hợp. Mặc dù vậy, cách lý giải này còn chưa mang tính hiện thực trong cuộc sống hàng ngày. Vì hầu hết những mục đích thực tế của công tác xã hội phản ảnh được những biến đổi của cá nhân trên cấp độ nhỏ nhất mà không dẫn đến những biến đổi xã hội rộng lớn hơn. Payne cho rằng, trong bối cảnh này, người nắm giữ dịch vụ xã hội cũng có thể cung cấp tài chính và tạo được sự tán thành của xã hội đối với các hoạt động công tác xã hội mong muốn có được sự phù hợp tốt hơn giữa xã hội và cá nhân. Họ không tìm cách làm biến đổi xã hội.


Quan điểm này cũng đối mặt với những phê phán khi cho rằng quá nhấn mạnh đến cá nhân, và việc cố gắng giữ cái hiện trạng sẽ khó tạo nên sự biến đổi của xã hội để có sự tác động trở lại cá nhân.[/accordion]


[accordion title="Quan điểm về chủ nghĩa xã hội-chủ nghĩa tập thể"]


Mục đích chính mà mô hình lý luận này đề cập là nhằm hướng đến sự thay đổi xã hội. Sự thay đổi này sẽ điều chỉnh lại sự cân bằng về quyền lực, mối quan hệ trong xã hội để tạo sự bình đẳng, công bằng và khả năng trao quyền cho mọi cá nhân. Qua đó các cá nhân có thể chấp nhận cuộc sống ở gia đình và cộng đồng và từ đó tự đáp ứng những nhu cầu riêng của bản thân (Payne 2005b).


Vấn đề của chủ thể mà quan điểm này hướng đến chính là các cá nhân và nhóm đang gặp những bất lợi trong cuộc sống. Những khó khăn ở góc độ gia đình và xã hội do các nguyên nhân đói nghèo, sự phân biệt, sự đau ốm bệnh tật, vấn đề khuyết tật, nghiện rượu… được xem là những nội dung mà quan điểm này hướng đến can thiệp và giải quyết.


Với việc xác định các vấn đề của cá nhân và nhóm như vậy, mô hình hoạt động công tác xã hội thường hướng đến thúc đẩy sự hợp tác và trợ giúp lẫn nhau giữa các thành viên trong xã hội để qua đó các cá nhân có được sức mạnh trong cuộc sống và có thể thay đổi được hoàn cảnh xã hội và bối cảnh xã hội họ đang sống. Nhân viên xã hội trong mối quan hệ với các thân chủ thường ở vị thế cân bằng hơn là vị thế chuyên gia. Các cá nhân, gia đình và các nhóm được khuyến khích trợ giúp lẫn nhau để phát hiện các giải pháp riêng hướng đến giải quyết vấn đề và học hỏi được cá giá trị sống của nhau.


Với nhân viên xã hội, kỹ năng quan trọng cần thúc đẩy theo mô hình hoạt động này chính là khả năng biện hộ cho thân chủ, khuyến khích các thân chủ gia nhập vào nhóm có cùng các vấn đề và học cách biện hộ, gúp đỡ lẫn nhau. Đó cũng là nội dung của định hướng công tác xã hội nhóm hay công tác cộng đồng với các cá nhân có cùng các vấn đề để qua đó chính các thành viên này cùng tìm ra cách giải quyết các vấn đề của họ cùng nhau và tìm ra các nguồn lực để giải quyết vấn đề (Mullender & Ward 1991).


Các lĩnh vực mà quan điểm này  thường áp dụng là ở các lĩnh vực gia đình có sự tước đoạt xã hội, các nhóm có cùng mối quan tâm chung (như người khuyết tật, người bị ảnh hưởng bởi sự biến đổi xã hội), những cá nhân sống ở khu vực giải tỏa, hay những cá nhân bị mất việc làm…[/accordion]


[accordion title="Kết luận"]


Ba quan điểm trên của Payne đều xoay quanh bốn vấn đề chính của công tác xã hội: Mục đích, Vấn đề của thân chủ hay nhóm/cộng đồng; Hình thức hoạt động công tác xã hội và Lĩnh vực công tác xã hội liên quan. Quan điểm phản thân-trị liệu nhấn mạnh nhiều đến cách tiếp cận trợ giúp dựa trên vấn đề trị liệu, hướng đến giúp các cá nhân nâng cao năng lực của mình; quan điểm cá nhân-cách tân dựa trên cách tiếp cận duy trì trật tự xã hội, trật tự của bối cảnh xã hội cũng như giúp các cá nhân được duy trì sự ổn định khi đối mặt những khó khăn; còn quan điểm tập thể-xã hội hướng đến cách tiếp cận giải phóng, giúp các cá nhân có vấn đề thoát khỏi những trạng thái khó khăn, quan điểm này hướng đến việc thúc đẩy sự bình đẳng và công bằng xã hội (Adams, Dominelli & Payne 2002; Payne 2005b).


Với từng trường hợp can thiệp của công tác xã hội (cá nhân, nhóm hay cộng đồng), nhân viên xã hội cần quan sát, tổng hợp thông tin, ghi chép ngay từ đầu theo bốn vấn đề chính trên để quyết định xem quan điểm nào được áp dụng ở trường hợp này. Việc thảo luận cùng với đồng nghiệp là điều hết sức cần thiết để lựa chọn mô hình nào là phù hợp. Qua việc xác định định hướng cụ thể (gắn liền với mô hình phân tích nào), việc xác định những mô hình thực hành cốt lõi sẽ dần được hiện ra. Đây cũng là những vấn đề mấu chốt không chỉ đối với lý luận về công tác xã hội mà còn là nền tảng cho việc xác định mô hình thực hành công tác xã hội nào là phù cũng như hướng đến áp dụng các lý thuyết công tác xã hội phù hợp. Đây chính là định hướng về kiến tạo xã hội (social construction) mà Payne đã đề cập trong chương đầu của Lý thuyết công tác xã hội hiện đại (Payne 2005b). Kiến tạo xã hội là một luận điểm lý luận hướng đến xem xét một tri thức khoa học được hình thành hay tạo dựng ý nghĩa thông qua bối cảnh xã hội cụ thể. Ở đây, vấn đề của thân chủ sẽ được nhìn nhận qua chính sự trải nghiệm của thân chủ chứ không thuần túy qua lăng kính chủ quan của nhân viên xã hội. Sự trải nghiệm của thân chủ ở các môi trường xã hội khác nhau là rất khác nhau. Cách tiếp cận này cho phép nhân viên xã hội phát hiện ra được đâu là điểm mạnh, yếu của thân chủ, của môi trường sống, của mạng lưới các mối quan hệ xã hội, của hệ thống chính sách để có những cách thức biện hộ, tạo mô hình can thiệp phù hợp, cũng như có được các nguồn quy chiếu phù hợp (nếu cần thiết).


Với việc nhìn công tác xã hội và thực hành công tác xã hội từ góc độ kiến tạo xã hội như vậy, các quan điểm này của ông hoàn toàn có thể áp dụng ở bối cảnh văn hóa, kinh tế, xã hội Việt Nam. Việc xác định vấn đề của thân chủ ở cách tiếp cận nào, mô hình phân tích nào sẽ rất hữu ích cho việc chọn lựa các mô hình thực hành công tác xã hội. Đây là nội dung mang tính nhập môn và định hướng không chỉ ở lĩnh vực lý thuyết công tác xã hội mà còn là vấn đề nền tảng để hiểu về bản chất công tác xã hội và các định hướng thực hành công tác xã hội./.[/accordion]


[accordion title="Tài liệu tham khảo"]


Adams, R, Dominelli, L & Payne, M 2002, Social work : themes, issues and critical debates, Macmillan, Macmillan.


Doel, M & Marsh, P 2005, Task-centred social work, Routledge, London.


Houston, S & Campbell, J 2001, 'Using critical social theory to develop a conceptual framework for comparative social work', International Journal of Social Walfare, vol. 10, pp. 66-73.


Mullender, A & Ward, D 1991, Self-directed group work: Users take action for empowernent, Whiting and Birch, London.


Payne, M 2005a, 'Current issues in social work theory', Campus Social, vol. 2, pp. 27-38.


Payne, M 2005b, Modern Social Work Theory, Macmillan Palgrave, Basingstoke.


Reid, WJ 1992, Task strategies: An empirical approach to clinical social work, Columbia University Press, New York.











* ThS, Trường ĐH KHXH&NV-ĐHQG Hà Nội, email: khamtv@ussh.edu.vn



** Ấn phẩm này hiện đã được trường ĐH KHXH&NV Hà Nội dịch làm tài liệu tham khảo cho sinh viên, [/accordion]


[/accordions]

[box type="note"]Bài viết này được đăng trong Kỷ yếu Hội thảo quốc tế "Kinh nghiệm quốc tế về công tác xã hội và an sinh xã hội" được tổ chức tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội, 9-10/11/2012[/box]





Post a Comment

1 Comments