Cách nhìn mới về Quan niệm công tác xã hội

Hội nghị toàn cầu về Công tác xã hội với chủ đề “Công tác xã hội và phát triển xã hội: những tác động” vừa được tổ chức tại Stockholm, Thuỵ Điển từ ngày 8-12/7/2012 với sự quy tụ của gần 2500 đại biểu từ các quốc gia trên thế giới. Đoàn Việt Nam có 16 đại biểu tham dự, trong đó có một đại biểu trình bày báo cáo tại Hội nghị. Đây là hội nghị toàn cầu lần thứ 2 được tổ chức với sáng kiến của Hiệp hội nhân viên xã hội Thế giới; Hiệp hội các trường đào tạo công tác xã hội; Hội đồng phúc lợi xã hội thế giới. Tại Hội nghị, với gần 160 buổi họp song song và toàn thể, các đại biểu đã trao đổi các kết quả nghiên cứu, các đề xuất cho việc thúc đẩy vai trò của công tác xã hội với phát triển xã hội ở 03 chủ đề lớn: Nhân quyền và bình đẳng xã hội; biến đổi môi trường và phát triển xã hội bền vững; sự chuyển đổi toàn cầu và hành động xã hội.


Điểm lưu ý tại Hội nghị lần này là việc đề xuất về cách hiểu mới về quan niệm công tác xã hội toàn cầu so với cách hiểu hiện nay về nội dung, giá trị, hệ thống lý luận và thực hành về công tác xã hội. Các đại biểu đã đề xuất cách hiểu mới về quan niệm xã hội ở một số điểm lưu ý sau:


Công tác xã hội là một hoạt động chuyên môn nằm giữa các lĩnh vực về các mối quan hệ giữa các chủ thể xã hội và các mối quan hệ của nhà nước trong các bối cảnh lịch sử-xã hội khác nhau về lĩnh vực hoạt động chuyên môn. Quan niệm này hướng đến phát triển lý luận xã hội và hệ thống các hành động xã hội dựa trên đời sống vật chất và tái sản xuất xã hội từ các quan điểm biến đổi xã hội. Quan điểm này hướng đến cam kết thực hiện các vấn đề về dân chủ và cuộc chiến cống lại sự bất bình đẳng xã hội; thông qua việc nâng cao quyền tự chủ, sự tham gia và sự an toàn của mọi công dân để qua đó có khả năng đạt được các vấn đề nhân quyền và công bằng xã hội.


Quan niệm này thừa nhận các nguyên tắc về thống nhất trong sự đa dạng. Nó cũng thừa nhận sự tồn tại của hoạt động công tác xã hội trong đời sống thực tại có mối quan hệ với sự biểu hiện của bất bình đẳng tồn tại trong xã hội hiện đại và về các phương thức đấu tranh loại bỏ chúng. Các biểu hiện đó được nhìn nhận ở các nội dung (a) dân chủ và nhân quyền, (b) quy định xã hội và chính sách xã hội, (c) đoàn kết quốc tế, an sinh xã hội và bảo trợ xã hội, (d) đấu tranh xã hội và phong trào xã hội. Những phương thức này đòi hỏi các hành động chuyên môn cụ thể tuỳ thuộc vào từng điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của từng quốc gia, khu vực.


Xét về khía cạnh giá trị, các hành động chuyên môn công tác xã hội dựa trên các giá trị đạo đức và các nguyên tắc như đảm bảo sự tự do, công bằng, bình đẳng, đa dạng, và quyền công dân với mục đích vượt qua sự căng thẳng, đói nghèo, thất nghiệp, phân biệt đối xử và bất bình đẳng xã hội.


Quan niệm này được đặt ra cũng dựa trên các lý luận chung về công tác xã hội và các tri thức đặc biệt để phân tích và tổ chức can thiệp trong hiện thực vì mục tiêu tạo sự chuyển biến xã hội. Phương pháp luận của công tác xã hội dựa trên việc thu thập các tri thức lý luận và tri thức chung xuất phát từ các nghiên cứu khoa học và quá trình xã hội hoá những trải nghiệm. Lý luận công tác xã hội giúp mọi người đọc và hiểu về các tiến trình lịch sử, trong đó việc hiểu về các chủ thể xã hội (cá nhân, nhóm, gia đình và xã hội) là một bộ phận của tiến trình xã hội.


Quan niệm này cũng đề ra những nội dung thúc đẩy quá trình thực hành công tác xã hội với các vấn đề xã hội hiện nay. Các hoạt động chuyên môn đòi hỏi các nhân viên xã hội làm chủ được các lý thuyết và phương pháp luận về vấn đề nghiên cứu và có được các kỹ năng, kỹ thuật và cách tiến hành thực hành trực tiếp. Tất cả những công việc này phải dựa trên các vấn đề đạo đức và các hoạt động được đào tạo cụ thể nhằm phát triển khả năng và năng lực liên quan đến công tác xã hội. Mục tiêu của các hoạt động chuyên môn là nâng cao năng lực của các công dân, các thiết chế dân chủ, các vấn đề nhân quyền chung, tôn trọng các chuẩn mực quốc tế về nhân quyền có liên quan đến sự đa dạng văn hoá, dân tộc, hình thức tư duy thế hệ, quan hệ giới và bản sắc riêng, và những định hướng giới. Tất cả nhằm hướng đến có được hệ thống hành động xã hội nhằm bảo trợ các điều kiện về môi trường xã hội và cuộc chiến chống lại các vấn đề về bất bình đẳng, nghèo đói, thất nghiệp và các hình thức vi phạm và bất công, cũng như việc phân phối lại thu nhập và phúc lợi. Với mục đích này, nhân viên xã hội phải có cách nhìn tích cực với các hoạt động chuyên môn được đào tạo nhằm đóng góp cho quá trình phát triển, bảo vệ và tăng cường khả năng thực hiện các vấn đề về nhân quyền và các cách thức tiếp cận đến vấn đề này./.

Post a Comment

0 Comments