Trường hòa nhập có phải là giải pháp tốt nhất dành cho trẻ khuyết tật

Bài viết này được trình bày tại Hội thảo về Công tác xã hội đối với trẻ em có hoàn cành khó khăn do Trung tâm Dân số và Công tác xã hội, trường ĐH KHXH&NV Hà Nội thực hiện tháng 4/2007.


ĐẶT VẤN ĐỀ:

Với tư cách là một thành viên của xã hội, cá nhân nào cũng cần có môi trường để hòa nhập, để được trao đổi, chia sẻ, tiếp nhận thông tin, để qua đó tiếp tục hoàn thiện nhân cách và phát triển đặc điểm xã hội của bản thân. Hòa nhập vào xã hội được xem là một vấn đề mang tính tất yếu của mọi cá nhân trong xã hội, là cách thức để khẳng định bản thân, xác định vị trí, vai trò xã hội của bản thân.

Trong nhiều văn kiện của Đảng và Nhà nước ta đều xác định việc tạo dựng các điều kiện tốt nhất cho người khuyết tật nói chung, trẻ em khuyết tật nói riêng; coi việc tạo dựng đó là cách thức để giúp cho đối tượng dễ bị tổn thương này có điều kiện để vượt qua chính những vấn đề khó khăn của bản thân, cùng hòa nhập vào xã hội.

Ở Việt Nam, theo những thống kê mới nhất trẻ khuyết tật chiếm một tỷ lệ khá cao (16%) so với tổng số người khuyết tật, và chiếm gần 01% so với tổng dân số[1]. Trẻ khuyết tật nặng cần được trợ giúp lên tới 29% trong tổng số trẻ khuyết tật. Trẻ khuyết tật thường sống với mức sống thấp hơn mức sống trung bình của cộng đồng, khoảng cách này ngày càng lớn dần do tác động của sự biến đổi xã hội, điều này có ảnh hưởng rất rõ rệt đến đời sống của trẻ khuyết tật. Trẻ khuyết tật có nhiều nguyên nhân: bẩm sinh hoặc phát sinh trong cuộc sống. Các nhà nghiên cứu cho rằng việc chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ khuyết tật là một vấn đề xã hội cần được quan tâm và giải quyết. Đã có nhiều quan điểm, thông điệp khác nhau đề cập đến sự hòa nhập của người khuyết tật vào cùng với các hoạt động của xã hội. Cũng chính về ý nghĩa của vấn đề này, nhiều nghiên cứu chuyên ngành và liên ngành cũng hướng đến những nội dung có liên quan đến trẻ khuyết tật.

Ngay từ những năm 1945, tổ chức Liên hợp quốc đã xác định những chiến lược cơ bản về người khuyết tật nói chung. Trong giai đoạn 1945-1955, Liên hợp quốc cũng đã thiết lập một cơ quan chuyên trách về người khuyết tật, thông qua bộ máy này, Liên hợp quốc cũng đã xây dựng các dự án liên quan đến việc phòng ngừa khuyết tật và phục hồi chức năng. Năm 1952, tại kỳ họp thứ 8 của Liên hợp quốc, Ủy ban các vấn đề xã hội cũng hướng đến đề cập việc phục hồi chức năng cho những người tàn tật về mặt thể chất và đề xuất các chương trình hành động vào 10 nội dung liên quan đến người khuyết tật. Từ giai đoạn 1956 đến 1970, các hoạt động của Liên hợp quốc hướng đến người khuyết tật được xuất phát từ các quan điểm phúc lợi xã hội. Việc Liên hợp quốc đánh giá lại những chính sách vào những năm 1960 cũng là cách thể chế hóa lại và thúc đẩy nhu cầu đạt được sự tham gia của các cá nhân khuyết tật vào xã hội. Từ những năm 1970 đã có những dấu hiệu đánh dấu về những hình thức tiếp cận mới với vấn đề khuyết tật. Quan niệm về quyền của người khuyết tật dần dần đã trở thành một vấn đề mang tính quốc tế. Người khuyết tật có quyền về công dân và quyền về chính trị như  những cá nhân khác, ngoài ra các văn bản pháp luật của Liên hợp quốc cũng xác định các quyền về giáo dục, các dịch vụ về y tế và các dịch vụ về chỗ ở. Giai đoạn này được các nhà nghiên cứu xác định cách tiếp cận về người khuyết tật theo vấn đề nhân quyền. Sau những năm 1980 Liên hợp quốc đã xây dựng các chương trình về người khuyết tật và lấy năm 1981 là năm của những người khuyết tật. Trong khoảng thời gian này, nhiều nghiên cứu, nhiều dự án, chương trình hành động đã hướng đến các vấn đề của người khuyết tật. Hội nghị lần thứ Nhất về người khuyết tật toàn cầu đã được tổ chức tại Singapore (30/11 đến 6/12/1981) và đến 3/12/1982 chương trình hành động toàn cầu về người khuyết tật đã được Liên hợp quốc thông qua tập trung vào ba mảng vấn đề về người khuyết tật: Phòng ngừa, phục hồi chức năng và tạo cơ hội công bằng cho mọi người. Cũng thông qua những chương trình này, giai đoạn 1983-1992 được xem là thập kỷ về người khuyết tật. Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu, năm về người khuyết tật-1981 đã trở thành dấu mốc quan trọng trong lịch sử lý luận và hành động hỗ trợ người tàn tật, nhằm chống lại các vấn đề phân biệt, đối xử không công bằng đối với người tàn tật và đã phần nào đạt được các vấn đề liên quan đến nhân quyền cho mọi người. Đồng thời, chương trình hành động toàn cầu về người khuyết tật đã một lần nữa khẳng định vấn đề người khuyết tật không phải là vấn đề của bất cứ quốc gia nào, vùng miền nào mà là chương trình mang tính toàn cầu, cần có sự cam kết của các quốc gia vào quá trình thực hiện chương trình này. Nhiều ấn phẩm của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế về người khuyết tật trong những năm cuối thập kỷ 1980 đầu thập kỷ 1990 đã khẳng định người khuyết tật không phải là những chủ thể phụ thuộc vào xã hội, mà cần đối xử họ một cách công bằng như những chủ thể xã hội khác nữa. Đến tháng 12/1991, Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng đã ban hành các Nguyên tắc bảo vệ cá nhân mắc bệnh tâm thần và cải thiện các hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần với 22 nguyên tắc cơ bản đã xác định được những vấn đề về tự do và nhân quyền cơ bản của con người. Và từ tháng 12/1993, Liên hợp quốc đã lấy ngày 3/12 hàng năm là ngày quốc tế vì người tàn tật. Trong những năm tiếp theo, Liên hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế đã luôn dành sự quan tâm, nỗ lực liên quan đến người khuyết tật, đã đưa vấn đề người khuyết tật vào các chương trình phát triển xã hội, và quan điểm xây dựng xã hội phồn thịnh cho mọi người cũng đã được đặt ra. Trong những năm cuối của thập kỷ 1990, tổ chức UNICEF đã cùng với UNHCR nghiên cứu nhiều vấn đề liên quan đến trẻ em khuyết tật, bắt đầu từ giai đoạn này, nhiều nghiên cứu và hội thảo liên quan đến các vấn đề khuyết tật của trẻ em cũng đã được đề cập, được nhiều nhà khoa học quan tâm. Cho đến thời điểm hiện nay, bộ phận thống kê của Liên hợp quốc đã có nhiều những ấn phẩm liên quan đến vấn đề về người khuyết tật, như: Dữ liệu thống kê cơ bản về người khuyết tật quốc tế (1988), Kỷ yếu về số liệu khuyết tật (1990), Sổ tay phát triển thông tin thống kê các chương trình và chính sách về người khuyết tật (1996)… Ngoài những chương trình nghị sự của Liên hợp quốc và các tổ chức của Liên hợp quốc có liên quan đến trợ giúp, hỗ trợ trẻ em, xu hướng nghiên cứu về trẻ em nói chung, trẻ em khuyết tật nói riêng cũng đã được các nhà xã hội học, tâm lý học, giáo dục học, công tác xã hội, nhân học… và các tổ chức phi chính phủ (như Save children, các tổ chức cứu trợ xã hội…) nghiên cứu và thực hiện các chương trình can thiệp. Một số nghiên cứu có thể được biết đến như: Understanding and Responding to Children’s Needs in Inclusive Classrooms: A guide for teachers (UNESCO, 2001), với trọng tâm vào hướng dẫn giáo viên ở các lớp học hòa nhập; Disabled Children's Rights: a practical guide (UNESCO, 2001), nhấn mạnh đến việc thực hiện các quyền của trẻ khuyết tật. Nghiên cứu của Dale Borman (Mỹ) về Making a place for kids with disabilities, NXB Praeger, 2000, hướng đến việc tạo dựng các môi trường cho trẻ khuyết tật trong xã hội đương đại. Nghiên cứu của Ann Lewis về Children’s Understanding of Disability (Routledge, 1995), với việc tìm hiểu sự trải nghiệm và sự tự nhận thức của trẻ về vấn đề khuyết tật thông qua việc thực hiện 11 dự án trên nước Mỹ…

Việt Nam, có thể thấy một số công trình nghiên cứu gần đây như sau: Mở rộng cộng đồng cho trẻ khuyết tật (Viện Khoa học giáo dục, Tổ chức cứu trợ và phát triển Mỹ, 2002) – Đây là kết quả của Dự án được triển khai tại ba huyện (Yên Khánh - Ninh Bình, Yên Hưng - Quảng Ninh và Lương Sơn - Hòa Bình) với mục đích nâng cao nhận thức và giúp đỡ trẻ khuyết tật, các thành viên của gia đình và cộng đồng phối hợp chặt chẽ với tạo cơ hội cho trẻ khuyết tật được đi học, hội nhập xã hội; nghiên cứu này đã đề cập một cách khá toàn diện về vấn đề trẻ khuyết tật; Giáo dục trẻ em có tật (Đỗ Văn Ba, Lê Nguyên Hân, Cao Tiên Chân, 1986) tập trung vào việc xem xét “người có tật” là vấn đề cấp bách không chỉ bó hẹp trong các hoạt động nhân đạo thông thường mà còn là vấn đề cần có sự quan tâm giải quyết của toàn xã hội, nghiên cứu này cũng đề cập một số vấn đề mang tính khái quát chung về tình hình trẻ khuyết tật trên thế giới và Việt Nam, qua đó đưa ra một số giải pháp hữu hiệu đối với trẻ có tật về thị giác, thính giác, hướng đến phục hồi chức năng nhanh chóng; Xây dựng mô hình giáo dục trẻ có tật (Trịnh Đức Duy, 1990)- đây là một nghiên cứu thuần túy hướng đến ba mô hình giáo dục trẻ em khuyết tật: (1) mô hình giáo dục trẻ điếc 9 năm, (2) mô hình giáo dục trẻ mù 6 năm, (3) mô hình giáo dục trẻ tật trí nhớ 9 năm. Hai hình thức giáo dục trẻ có tật cũng được đề cập là giáo dục chuyên biệt và giáo dục hòa nhập; Phân tích tình hình trẻ khuyết tật ở Việt Nam (Bộ LĐTB&XH và tổ chức UNICEF Việt Nam)…

Qua những nghiên cứu gần đây cho thấy, đa phần các nghiên cứu đều tập trung trên góc độ giáo dục hòa nhập cho trẻ em như thế nào; nghiên cứu về các mô hình trợ giúp cho trẻ khuyết tật, tập trung vào việc phục hồi chức năng hoặc về phương pháp giáo dục trẻ, chưa có nhiều các công trình nghiên cứu về khía cạnh xã hội của đối tượng, đặc biệt là một số vấn đề về mối quan hệ xã hội của trẻ, về sự tham gia của trẻ vào các hoạt động xã hội tại các môi trường sống của trẻ.

Từ những vấn đề đặt ra như vậy, nghiên cứu xem xét các môi trường hòa nhập xã hội của trẻ (để qua đó nhìn nhận vai trò xã hội của các môi trường đó) nhằm hướng đến tìm hiểu những trải nghiệm trong cuộc sống hàng ngày của trẻ khuyết tật tại gia đình, cộng đồng và đặc biệt là trường học, trong đó chủ yếu dựa trên quan điểm của trẻ em.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU:

Đánh giá nhanh này được tiến hành tại quận Thanh Xuân, Hà Nội vào tháng 11 và 12 năm 2005. Do không có lớp học hòa nhập nào dành cho trẻ khuyết tật tại địa bàn này nên hai lớp học chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật là Linh hoạt và Tình thương đã được lựa chọn nghiên cứu. Tất cả các em ở hai lớp học này bị thiểu năng trí tuệ từ nhẹ đến nặng do ảnh hưởng của chất độc màu da cam và di chứng của các tổn thương não. Do mục đích của nghiên cứu, chúng tôi đã lựa chọn 13 em (6 nam, 7 nữ) trong tổng số 24 trẻ có độ tuổi từ 12 đến 28 tuổi. Các em này đều có khả năng thể hiện tình cảm, suy nghĩ của mình qua lời nói, ánh mắt, cử chỉ, điệu bộ.

Phương pháp phỏng vấn sâu, quan sát, chụp ảnh đã được lựa chọn để thu thập các số liệu về trải nghiệm của trẻ tại trường học, tại gia đình và cộng đồng. Bên cạnh đó, hai cô giáo tại hai lớp học này cũng như cha mẹ của trẻ (9 người) cũng được phỏng vấn sâu để xem xét quan điểm của họ về những trải nghiệm của trẻ khuyết tật cũng như kiểm tra chéo các thông tin mà chúng tôi đã thu thập được từ trẻ khuyết tật.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU:

Phát hiện chính mà chúng tôi thu thập được từ nghiên cứu này là sự phân biệt đối xử và kỳ thị đối với trẻ khuyết tật (TKT) quyết định rất nhiều đến khả năng tham gia của trẻ tại trường, gia đình và cộng đồng. Sự phân biệt đối xử và kỳ thị này có thể từ người thân trong gia đình như thái độ của cha mẹ đối với TKT; của họ hàng, của hàng xóm nơi trẻ đang sinh sống, của các bạn và thầy cô tại trường học.

Trẻ khuyết tật trải nghiệm tại trường học như thế nào?

Cũng giống như bao trẻ bình thường khác, trẻ khuyết tật dường như thích được đi học vì đến trường có bạn chơi, được giao lưu tiếp xúc với bạn bè. Tuy nhiên đối với trẻ khuyết tật trong nghiên cứu này lại thích đến học ở lớp chuyên biệt (lớp dành riêng cho trẻ khuyết tật) hơn cả. Lý do chủ yếu là tại các lớp này các em có thể hiểu nhau, hòa đồng với nhau, được tâm sự với các bạn cùng hoàn cảnh và không có sự phân biệt đối xử nào.

Hầu hết các trẻ này đều đã có thời gian học ở các trường hòa nhập nhưng đều bỏ học do (1) trẻ không theo được chương trình học và do đó ảnh hưởng đến thi đua của lớp học nên cô giáo cũng không thoải mái với trẻ; (2) trẻ khó hòa nhập được với các bạn cùng lớp do khuyết tật của trẻ nên thường có mặc cảm, tự ti; (3) các bạn cùng lớp hay trêu nên trẻ tự ái không đi học nữa

Khác với cha mẹ trẻ không khuyết tật, gia đình trẻ khuyết tật không kỳ vọng nhiều ở việc học tập của các em, họ chỉ mong trẻ “được chữ nào hay chữ đó”. Vì vậy, họ cho con đến lớp đầu tiên là vì con họ có bạn để chơi, còn việc học tập chỉ cần biết đọc, biết viết, biết làm toán.

Những trải nghiệm không tốt từ cộng đồng đối với trẻ khuyết tật:

Một trong những khó khăn mà TKT thường gặp phải trong cuộc sống hàng ngày là không có bạn chơi cùng và ra ngoài chơi thường bị trêu. Vì không muốn bị trêu nên trẻ thường ở nhà. Nếu có ra ngoài chơi thì chủ yếu chơi với các em nhỏ tuổi hơn. Nhiều trẻ mong muốn được về quê chơi vì ở đó vẫn có thể chơi được với các bạn đồng lứa mà không bị trêu.

Một số bố mẹ vì lo lắng bệnh tật của con tự nhiên tái phát, hoặc sợ ra ngoài trẻ phá phách, hoặc sợ trẻ không biết gì bị người khác xúc phạm làm tổn hại nên không cho trẻ đi chơi một mình nếu hơi xa với nhà ở của mình. Chính vì vậy nên trẻ thường ở nhà, hoặc chỉ chơi với người hay nói chuyện với mình như ông, bà hoặc các em nhỏ tuổi hơn bên nhà hàng xóm để không bị trêu chọc.

Hầu hết các trẻ khuyết tật sống trong các gia đình khó khăn về kinh tế hoặc tình cảm. Chính vì vậy mà các em cũng bị ảnh hưởng bởi sự kỳ thị của họ hàng, hàng xóm đối với những gia đình nghèo hoặc có đổ vỡ về tình cảm.

Hầu hết bố mẹ trẻ mới chỉ quan tâm đến đời sống vật chất mà chưa quan tâm hoặc cảm thấy chưa cần thiết phải quan tâm đến đời sống tinh thần cho trẻ.

“Nhìn chung các em rất thích được nói chuyện, giao tiếp với người khác, chẳng hạn, các em rất quý mến chúng tôi, vui vẻ, hồ hởi khi chúng tôi nói chuyện với các em. Hôm nào chúng tôi xuất hiện các em cũng quấn quít, lại gần chúng tôi, có em còn đùa nghịch với chúng tôi. Khi ra chơi các em lại gần và  đứng xung quanh chúng tôi, vừa có vẻ tò mò, vừa trêu chọc nhau, cười nói, dùng các cử chỉ ra hiệu với nhau trông rất thích thú”.

Khả năng học tập của trẻ khuyết tật theo cô giáo dạy lớp học chuyên biệt:

Theo các cô giáo thì các em đều có khả năng nhất định trong học tập tuy nhiên mức độ tiếp thu tuỳ thuộc rất nhiều vào từng trẻ cũng như từng môn học. Chính vì vậy mà ở trên lớp, hầu hết các cô giáo đã áp dụng phương pháp Linh hoạt (tuỳ theo môn học và sức khỏe của trẻ) để dạy cho trẻ học. Cô giáo cũng ra bài tập về nhà dành cho trẻ, tuy nhiên rất ít em làm bài tập ở nhà do phụ huynh không chú ý nhiều đến việc học hành của trẻ ở nhà. Vì hoàn cảnh gia đình hoặc do nhận thức còn hạn chế, bố mẹ không quan tâm đến việc con học như thế nào mà phó mặc tất cả cho giáo viên và trẻ, vì vậy trẻ không phát huy được hết khả năng của mình.

Cha mẹ không tin tưởng vào khả năng của trẻ khuyết tật

Trong nghiên cứu này, các em khuyết tật thường được gọi thành hai nhóm: (1) “không biết gì” hoặc “ngu” hoặc “ngơ ngơ” hoặc “dở hơi” để chỉ những em bị thiểu năng trí tuệ nhưng không bị tổn thương nặng về tâm thần kinh; (2) “điên khùng” để chỉ những em bị thiểu năng trí tuệ với tổn thương nặng về tâm thần kinh (hay có những cử chỉ “phá phách”)

Hầu hết các bố mẹ trẻ đều đánh giá thấp các em vì cứ cho rằng các em cũng chỉ phát triển đến thế mà thôi, có cố gắng nhiều bao nhiêu thì kết quả cũng chỉ đạt đến thế, không thể cao hơn được. Họ cảm thấy thất vọng vì việc dạy con mãi mà không biết, không khôn như con người ta.

Tuy nhiên trên thực tế, một số việc các em không có khả năng tự làm tuy nhiên có những việc các em vẫn có khả năng làm được nhưng bố, mẹ không hướng dẫn, không dạy các em hoặc không tin các em là làm được, nên tự làm thay cho các em. Một số bố mẹ không có kiến thức để nuôi dạy con mình hoặc do điều kiện kinh tế gia đình còn eo hẹp, không có nhiều thời gian dành cho con nên khi dạy con không thu được hiệu quả và từ đó bất lực trước sự tiếp thu hạn chế của trẻ, thất vọng về sự phát triển của trẻ. Vì vậy bố mẹ thường làm theo cách mình cho là tốt nhất để khắc phục các vấn đề khó khăn mà họ gặp phải hơn là trẻ khuyết tật đang phải trải qua. Hầu hết bố mẹ trẻ đều nghĩ trẻ bị khuyết tật như thế không tự chăm sóc được mình nên thường tự dàn xếp theo điều kiện vốn có của mình để nuôi dưỡng trẻ. Vì vậy ít khi xem xét tình trạng của trẻ như thế nào, trẻ cần gì, mong muốn gì. Lý do thiếu kiến thức kỹ năng cơ bản nuôi dạy trẻ là bố mẹ trẻ chưa có cơ hội nào để tiếp cận với chương trình chăm sóc trẻ khuyết tật và giúp trẻ hòa nhập cộng đồng nên không nuôi dạy trẻ hiệu quả được trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.

Lý do thứ hai mà cha mẹ không tin tưởng vào trẻ là do lo lắng cho trẻ, sợ trẻ bị bệnh nên không làm được các việc hơi nặng nhọc nên thường làm thay cho trẻ. Vì vậy đa số cha mẹ trẻ khuyết tật đều có mong muốn con mình có thể học được một nghề phù hợp với tình trạng bản thân của trẻ để sau này bố mẹ không còn đủ sức cưu mang và nuôi dưỡng trẻ thì trẻ có thể tự kiếm tiền để nuôi sống bản thân mình.

Chính vì cái gì cũng được người lớn làm thay nên bản thân trẻ không có kinh nghiệm gì trong cuộc sống, không biết tự làm cái gì cũng như không biết tự suy nghĩ. Trước bất cứ vấn đề hoặc sự việc gì trẻ đều bị thụ động, mơ hồ, tự mình không giải quyết được, dù làm việc đơn giản nhất. Bản thân trẻ không biết, không ý thức được nên nhờ ai, nhờ giúp đỡ cái gì vì chính trẻ không nhận thức rõ rang đó là khó khăn đối với bản thân.

Trẻ khuyết tật cảm thấy hạnh phúc khi có cơ hội làm việc giúp đỡ gia đình hoặc được học

Vậy một ngày bình thường của trẻ khuyết tật như thế nào? Đa số thời gian dành trong ngày của các em là chơi và ngủ, đặc biệt là buổi chiều. Cuộc sống của các em rất đơn điệu, lặp đi lặp lại, ít có biến động và chịu sự giám sát của gia đình, người thân và họ hàng.

Hầu hết các trẻ đều bày tỏ niềm vui khi được tham gia một việc gì đó giúp đỡ gia đình như nấu cơm, rửa bát, giúp mẹ đi chợ hoặc sửa chữa xe đạp.

Rất nhiều trẻ còn mơ hồ khi bày tỏ mong muốn của mình nhưng hầu hết các em đều mong muốn có một việc làm để có thể kiếm tiền nuôi sống bản thân và  “giúp đỡ gia đình”. Ngoài ra các em cũng mong muốn có bố mẹ, người thân trong gia đình, cô giáo quan tâm hơn, được mọi người đối xử dịu dàng và yêu thương hơn.

KẾT LUẬN:

Sự phân biệt đối xử, kỳ thị cũng như những trải nghiệm trong cuộc sống tại cộng đồng, tại trường công lập, gia đình đã làm cho trẻ khuyết tật thích được đi học ở trường chuyên biệt hơn là trường hoà nhập với các trẻ khác. Đây là vấn đề cần được xem xét vì nó khác với những điều giả định về môi trường phát triển cho trẻ khuyết tật.

Việc có môi trường hòa nhập cho trẻ khuyết tật là điều kiện hết sức cần thiết, đó là cách thức giúp cho trẻ khuyết tật được tự trải nghiệm mình và vượt qua được cảm nhận mình khác với mọi người. Để làm việc điều đó, việc tạo dựng các chương trình đào tạo theo hướng hòa nhập cần được chú trọng, qua đó thu hút được trẻ khuyết tật cùng tham gia nhiều hơn. Tiếp tục nâng cao vai trò của các môi trường xã hội hóa của trẻ khuyết tật, giúp trẻ khuyết tật được tự tin, được hòa nhập, được đảm bảo quyền của bản thân. Đảm bảo được mục tiêu đó, vai trò của gia đình (cha mẹ, anh chị em, người thân), vai trò của Nhà trường (nhà quản lý, thầy cô, bạn bè), và vai trò của cộng đồng nơi sinh sống là hết sức quan trọng./.

Trần Văn Kham

Email: khamtv@gmail.com







[1] Theo Bế Quỳnh Nga, Các khía cạnh xã hội của việc giáo dục nghệ thuật cho trẻ khuyết tật, trong Trẻ em, Gia đình và Xã hội (Mai Quỳnh Nam chủ biên), NXB Chính trị quốc gia, 2004, tr.193.


Post a Comment

0 Comments